Đề xuất lương sếp doanh nghiệp Nhà nước cao nhất 72 triệu đồng/tháng
Theo quy định hiện hành, lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả nhất chỉ tối đa 72 triệu đồng/người/tháng. Nếu đề xuất về lương với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được thông qua, mức lương này có thể tăng thêm 1,5 lần, đạt mức lương 126 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2013 tới nay, lương của người quản lý doanh nghiệp (DN) nhà nước giữ 100% vốn được tính theo bảng lương cơ bản tính theo chức vụ và xếp hạng DN, trường hợp lợi nhuận kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, sẽ được tính theo hệ số tăng thêm. Hệ số tăng thêm từ 0,5 – 1 lần lương cơ bản áp dụng với lãnh đạo DN nhà nước được tính theo lợi nhuận của từng nhóm ngành nghề (ngân hàng, tài chính, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ). Trường hợp lợi nhuận thực tế vượt kế hoạch, mỗi 1% lợi nhuận vượt l ương lãnh đạo DN nhà nước sẽ được cộng thêm 1%, nhưng không quá 20% tiền lương bình quân kế hoạch.
Theo quy định trên, mức lương kế hoạch cao nhất của lãnh đạo tập đoàn nhà nước chỉ 72 triệu đồng/tháng (chưa gồm thưởng). Hết năm tài chính, DN làm ăn có lãi vượt kế hoạch lớn, mức lương người lãnh đạo tối đa cũng chỉ được 86,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức lương này cũng chỉ cho vị trí chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn nhà nước, các vị trí khác trong tập đoàn, lãnh đạo các tổng công ty, DN nhà nước khác thấp hơn. Thậm chí, dù DN có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận thấp hơn năm trước, lãnh đạo chỉ nhận lương cơ bản.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) năm 2022 cũng ghi nhận, bình quân tiền lương lãnh đạo các DN nhà nước là 40 triệu đồng/người/tháng. Nếu xét riêng khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lương bình quân lãnh đạo cũng chỉ 60 - 70 triệu đồng/tháng. Thực tế này dẫn tới, có DN, lương lãnh đạo thấp hơn lương cấp dưới.
Để khắc phục bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 51 và 52/2016 về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng DN 100% vốn nhà nước. Thay đổi đáng chú ý nhất trong dự thảo này là về hệ số lương tăng thêm với lãnh đạo DN. Cụ thể, với hệ số từ 1 lần lương cơ bản trở xuống, điều kiện về lợi nhuận vẫn giữ như hiện hành; nhưng bổ sung 3 hệ số cao hơn gồm 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản nếu quy mô lợi nhuận lớn hơn (tương tự áp dụng với DN nhà nước nắm cổ phần chi phối).
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, theo kết quả kinh doanh của DN nhà nước hiện nay, với thay đổi trên, tiền lương của người quản lý đa số DN vẫn cơ bản không quá 1 lần lương cơ bản, tương đương mức bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Mức lương bổ sung vượt 1 lần lương cơ bản (hệ số 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản) chủ yếu áp dụng đối với một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lợi nhuận lớn. Nếu hệ số lương mới được thông qua, lương của lãnh đạo tập đoàn lợi nhuận lớn có thể được 126 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp DN vẫn có lợi nhuận nhưng giảm so với năm liền trước, lương lãnh đạo DN vẫn được tăng, nhưng theo tỷ lệ cụ thể đạt được, thay vì không được tăng như hiện hành. Trường hợp DN hoà vốn, lương lãnh đạo DN bằng 50 - 100% lương cơ bản, nếu lỗ lương tối đa bằng 50% lương cơ bản...
Nếu được thông qua, các quy định mới trên sẽ được áp dụng từ năm tài chính 2024.
Trước đó, để đưa tiền lương của lãnh đạo DN nhà nước sát thị trường, từ năm 2020 tới nay, Chính phủ đã triển khai thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại công ty mẹ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng Công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Quản lý bay (VATM), theo Nghị định 20/2020.
Theo cơ chế thí điểm trên, lương cơ bản áp dụng với hội đồng thành viên/hội đồng quản trị từ 50 - 70 triệu đồng/người/tháng (gấp đôi các DN khác). Nếu làm ăn có lãi vượt kế hoạch, lương nhóm lãnh đạo này thực nhận có thể đạt 280 triệu đồng/người/tháng (bằng 2 lần lương kế hoạch), chưa kể tiền thưởng. Với ban giám đốc, theo cơ chế thí điểm trên, mức lương tối đa bằng 7 lần lương của bình quân của người lao động, mức lương thực nhận tối đa gần bằng lương của hội đồng thành viên.
Kết quả thí điểm tiền lương cho 3 DN trên dự kiến được đánh giá để áp dụng chung cho khối DN nhà nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ khi bắt đầu thí điểm tới nay, nên tiền lương tại các đơn vị chưa phản ánh hết thực tế, cơ chế thí điểm phải gia hạn thực hiện và chưa thể nhân rộng.