"Chẳng ăn được của nhau", các nhà bán lẻ công nghệ chuyển hướng mới: TGDĐ bắt trend "Very hợp", Di động Việt cũng "Flex đến hơi thở cuối cùng"
Cuộc chiến giá rẻ giữa các nhà bán lẻ điện thoại, laptop trên thị trường đã giảm dần sức nóng. Mặt bằng giá về cơ bản đồng loạt tăng nhẹ vài trăm nghìn đồng so với đáy hồi tháng 5. Thay vào tập trung quá nhiều đến yếu tố giá rẻ, giờ đây các nhà bán lẻ đã có những lôi kéo mới nhằm thu hút khách hàng.
Di Động Việt, một hệ thống có số lượng cửa hàng còn khá khiêm tốn, thậm chí còn dám ngang nhiên thách thức với slogan "Rẻ hơn các loại rẻ", ngầm ám chỉ giá ở đây mới là rẻ nhất.
Người tiêu dùng có thể nhận thấy trong giai đoạn này, giá bán các dòng iPhone, Samsung liên tục giảm mạnh. Thậm chí, iphone 14 Promax còn được mệnh danh là chiếc iPhone mất giá nhanh nhất trong lịch sử. Khi mới chính thức được mở bán tại Việt Nam vào ngày 14/10/2022, giá của iPhone 14 Pro Max được niêm yết phổ biến ở mức 33,9 triệu đồng.
Giai đoạn cao điểm, iPhone 14 Promax còn được nâng lên thêm 2 - 3 triệu đồng. Thậm chí, để có thể sở hữu sớm mẫu máy này, khách hàng còn phải bỏ ra một số tiền chênh lệch khoảng 4 - 6 triệu đồng để mua được hàng ở thị trường thứ cấp.
Đến ngày 10/05, tức là chỉ sau khoảng 7 tháng, giá iPhone 14 Pro Max (1228 GB) đã thiết lập mức giá thấp "lịch sử" về sát mốc 25 triệu đồng trước khi quay đầu tăng trở lại. Cho đến hiện tại, giá của chiếc iphone này dao động trên dưới 26 triệu đồng/sản phẩm.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 4, Chủ tịch FPT Retail (FRT) Nguyễn Bạch Điệp khi được hỏi về việc giá iphone đang giảm mạnh và cuộc chiến giá đã nhận định: " Dĩ nhiên trong quá trình thị trường khó khăn sẽ có "đánh nhau", nhưng lâu dài chỉ kéo nhau xuống, chả ăn được của nhau đâu. Cuộc chiến về giá - chúng tôi đánh giá không phải là bài toán hay" .
Trên thực tế, không chỉ có FPT Shop, đối thủ cạnh tranh sát sườn của Thế giới di động, mà tất cả các hệ thống khác đều kiên gan trong cuộc chiến này. Hễ "ông lớn" giảm giá sản phẩm nào thì ngay lập tức các đối thủ nhỏ hơn giảm theo. Bất chấp tiếng "rên xiết" kéo dài, không bên nào chịu nhả ra miếng bánh thị phần.
Hệ quả là lợi nhuận bán niên của các chuỗi mặc dù chưa được công bố nhưng giới quan sát đều đưa ra những dự báo không tích cực hoặc được lấp lửng tuyên bố theo kiểu "không có lợi nhuận". Theo chia sẻ của một số người trong ngành, nhiều dòng điện thoại thậm chí chấp nhận bán dưới giá vốn để giữ thị phần.
Hiện tại, cuộc chiến về giá đang cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt, khi mà các nhà bán lẻ đã đồng loạt nâng giá lên khoảng vài trăm ngàn đồng một sản phẩm. Thay vào việc tập trung toàn bộ về giá rẻ như trước, họ đưa vào những chiến dịch độc quyền mở bán sản phẩm, tung ra các thông điệp mới, hay tập trung vào ưu đãi, dịch vụ, bảo hành… để nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Đơn cử như thông điệp gần đây nhất của TGDĐ là “Very hợp”, “Very good”, khởi nguồn từ câu nói viral trên mạng xã hội của một huấn luyện viên trong chương trình Rap Việt.
Hay FPT Shop với thông điệp “#1 Giá luôn rẻ”, áp dụng cho các dòng điện thoại, laptop…
Trong khi đó, Di Động Việt - một hệ thống quy mô nhỏ nhưng đã tỏ ra khá "chiến" trong cuộc cạnh tranh vừa qua, cũng không chịu kém cạnh trong việc bắt "trend". Trên website của hệ thống này đã tung ra thông điệp mới “Rẻ hơn các loại rẻ - Flex giá #0 đối thủ”.
Rõ ràng, DĐV đang bắt trend “Flex đến hơi thở cuối cùng”, một xu hướng đang khuynh đảo mạng xã hội, với một nhóm trên facebook có hơn 1 triệu thành viên, từ nghệ sĩ, người nổi tiếng, doanh nhân, “học bá”… tham gia để flexing.
Bên cạnh giá bán tốt, có thể thấy các hệ thống hiện nay đều tập trung vào nâng cao trải nghiệm của người dùng với các phương thức mua sắm, ưu đãi, chính sách bảo hành, trả góp 0%, thu cũ giá tốt… và đều rất nhanh nhạy trong việc truyền thông để đưa đến những thông điệp mới mẻ cho khách hàng.