A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phó Chủ tịch Quốc hội: Tránh xây công trình văn hóa hoành tráng rồi bỏ không

Đánh giá Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa còn dàn trải, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý cần “lấy văn hóa nuôi văn hóa”, tập trung vào những ngành không cần dùng nhiều đến ngân sách, tránh xây công trình văn hóa hoành tráng rồi bỏ không.

Article thumbnail
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý "lấy văn hóa nuôi văn hóa", tránh xây công trình văn hóa hoành tráng rồi bỏ không. Ảnh: N.Bắc

Sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Dự kiến dành hơn 256.000 tỷ để phát triển văn hóa

Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.

Các hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tập trung, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…

Để thực hiện chương trình, bà Thủy cho hay, dự kiến nguồn lực huy động giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp tối thiểu 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 15.000 tỷ đồng.

Với giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình là 134.000 tỷ đồng.

 Kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn giai đoạn 2025-2030

Như vậy trong 11 năm từ năm 2025 đến năm 2035, dự kiến dành 256.250 tỷ đồng cho phát triển văn hóa và chia làm 3 giai đoạn.

Cụ thể, năm 2025, thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035, tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: P.Thắng

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiên tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện chương trình.

“Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa”, Chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.

Kế hoạch phải khả thi, cần “lấy văn hóa nuôi văn hóa”

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn. Vì vậy, theo Ủy ban này, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng 

Đánh giá chương trình đã chuẩn bị khá công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ quan ngại về khả năng thực hiện kế hoạch vốn năm 2025 (400 tỷ đồng). Bởi theo ông, khi Quốc hội thông qua chương trình đã là tháng 11, tháng 12 thì bố trí vốn và xong thủ tục thì đã hết năm 2025.

“Làm sao tiêu được 400 tỷ này? Tôi thấy không thể tiêu được đồng nào. Bố trí được đã rất khó khăn, thì làm sao tiêu được 400 tỷ này trong năm 2025”, ông Định nói.

Theo dự kiến trong năm 2025 tập trung xây dựng khung chính sách để chuẩn bị đầu tư. “Làm sao làm được?”, ông Định lo ngại và dẫn chứng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia làm khung chính sách phải 2 năm mới xong.

“Tôi đồng ý bố trí vốn năm 2025, nhưng bố trí được không và có tiêu được không? Kế hoạch phải khả thi, chứ giờ nói cho hay thì dễ lắm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội còn băn khoăn về mục tiêu của từng giai đoạn. Như giai đoạn 2026-2030, nếu chỉ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua, theo ông Định là “hẹp”. Trong khi, giai đoạn 2031-2035 mới đề cập đến vấn đề việc phát triển văn hóa để trở thành sức mạnh nội sinh là chậm.

“Đại hội XIII đã nói văn hóa là động lực nội sinh rồi, con người vừa là trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển rồi, mà giai đoạn 2031-2035 mới phát triển để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thì quá chậm”, theo lời Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đánh giá tổng thể chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn khá dàn trải. Theo gợi ý của ông Định, trong bối cảnh ngân sách không nhiều, 5 năm tới, phát triển văn hóa cần tập trung vào những ngành không cần dùng nhiều đến ngân sách; tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, “lấy văn hóa nuôi văn hóa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tôn tạo các bảo tàng, di tích và giảm bớt xây dựng. “Tiền bỏ ra xây dựng thêm công trình không biết bao nhiêu cho đủ. Xây hoành tráng xong không phát huy hiệu quả thì không nên”, ông Nguyễn Khắc Định nêu.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng tình với quan điểm phát triển văn hóa tập trung vào ngành không cần dùng nhiều ngân sách. Ảnh: P.Thắng

Đồng tình với quan điểm cần tập trung vào ngành “không cần dùng nhiều ngân sách”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng phố cổ Hội An đầu tư không nhiều tiền nhưng vẫn thu hút khách du lịch.

“Hội An không cần bỏ tiền ngân sách nhưng vẫn làm được, thu hút đông khách, tạo thương hiệu trong và ngoài nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam có nhiều nơi như phố cổ Hội An cần phải nghiên cứu để nhân rộng cách làm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chú ý đến văn hóa cơ sở. Theo ông, văn hóa cơ sở là việc “không tiền mà có thể làm được”. Xây dựng văn hóa cơ sở làm sao để xây dựng được ý thức, con người Việt Nam thời kỳ mới.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ  xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại kỳ họp thứ 8, khai mạc cuối tháng 10 tới.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, gồm:

1. Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp

2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả

3. Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa

4. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc

5. Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật

6. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

7. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa

8. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa

9. Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

10. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, nâng cao năng lực thực hiện chương trình, truyền thông, tuyên truyền về chương trình 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo