A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chính sách tài khóa - “điểm tựa” tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong các gói, chương trình hỗ trợ, vai trò của chính sách tài khóa là rất quan trọng. Nó không chỉ thể hiện ở phạm vi, cách thức, quy mô hỗ trợ, mà còn được coi là “điểm tựa” tốt để phối hợp với chính sách tiền tệ cho phục hồi, phát triển kinh tế…

Phóng viên: Thời gian qua, chính sách tài khoá được ban hành và thực thi có phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh COVID-19 không, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Có thể nói, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khá lớn. Trong số các gói hỗ trợ, thì vai trò của chính sách tài khóa là rất quan trọng. Nó không chỉ thể hiện ở phạm vi, cách thức, quy mô hỗ trợ, mà còn được coi là “điểm tựa” tốt để phối hợp với chính sách tiền tệ khi vị thế của ngân sách nhà nước được cải thiện khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, ngân sách nhà nước được trao trọng trách nặng gánh trong các chương trình, gói hỗ trợ và tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thêm dư địa tăng thêm tính linh hoạt để vừa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc nghiên cứu, đề xuất các chính sách để thực thi chính sách tài khoá khá kịp thời. Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách tài khoá cho thấy, vẫn chưa đạt như kỳ vọng, từ đó giúp chúng ta rút ra được những bài học, kinh nghiệm, không chỉ từ hoạch định chính sách, mà cả từ triển khai thực thi chính sách.

Tuy nhiên, phải tái khẳng định rằng, chính sách tài khóa đã có nhiều thuận lợi nhờ vị thế của ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể. Ví dụ như: Thâm hụt ngân sách không lớn, tỷ lệ nợ công giảm, duy trì dưới ngưỡng Quốc hội cho phép…

Phóng viên: Theo ông, tác động của chính sách tài khoá đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh thế nào?

TS. Võ Trí Thành: Khi đề cập tới tác động của chính sách tài khóa đến hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chúng ta có thể nhìn nhận ở 2 góc độ.

Ở góc độ gián tiếp, chính sách tài khóa cùng với chính sách tiền tệ góp phần vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Việc ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề rất quan trọng để tạo thêm lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, cũng như “thúc” doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế. 

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế. 

Ở góc độ trực tiếp, qua kết quả khảo sát, chính sách tài khoá có ý nghĩa trong việc hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Về cơ bản, chính sách tài khóa tác động hai chiều cả bên cung và bên cầu. Nhìn nhận cụ thể như các gói hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tôi có thể lấy ví dụ như: Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ; hay một số chính sách giảm thuế đối với mặt hàng xăng, dầu để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh năng lượng… Đây là các chính sách đã phát huy hiệu quả cao, thiết thực trong cuộc sống.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa, để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế phát triển?

TS. Võ Trí Thành: Cũng như các bộ ngành khác, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nhanh chóng vào cuộc triển khai quyết liệt các giải pháp.

Nhìn nhận ở khía cạnh chính sách, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều hành các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ trên cả 2 góc độ: vừa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nhờ đó, tạo điều kiện tăng dư địa, linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Đạt được kết quả tích cực trên là do trong vài năm trở lại đây Bộ Tài chính đã duy trì, cải thiện được vị thế của ngân sách nhà nước khi điều hành, duy trì tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức tương đối thấp; giảm tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng rủi ro.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tạo lập và hình thành thị trường trái phiếu chính phủ tương đối hợp lý về kỳ hạn, tạo đường cong lãi suất chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, lành mạnh, bền vững.

Phóng viên: Ở góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông có những khuyến nghị gì đối với chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?

TS. Võ Trí Thành: Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, các nước lựa chọn những chính sách đầy thách thức để vừa nhắm tới mục tiêu tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát. Trước mắt, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ và một số nước trong khu vực châu Âu tạm thời “hi sinh” tăng trưởng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giảm lạm phát.

Với tiền đề, vị thế của chính sách tài khóa và khả năng phối hợp giữa chính sách tài khóa và độ linh hoạt của chính sách tiền tệ, Việt Nam đã lựa chọn hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đẩy mạnh hơn nữa thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 và 2023.

Để duy trì và tiếp tục phát huy vai trò của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế, cần chú ý các vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, trong đó cần lưu ý đến các quy chế, quy trình liên quan tới việc thực thi các giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế để nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Hai là, chính sách tài khóa vẫn là “điểm tựa” tốt, nên cần cân nhắc, tính toán trong vài năm tới gắn với đầu tư trung hạn, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả. Điều này phụ thuộc vào khả năng thu, chi ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực để tiếp tục giữ vững vị thế của chính sách tài khóa.

Ba là, cùng với các chính sách khác, việc triển khai chính sách tài khoá cần bám sát tình hình thực tiễn để có điều chỉnh cần thiết; không phải theo các kế hoạch hàng năm như truyền thống bình thường, mà có cả điều chỉnh ở nguồn lực và việc thực thi đối với các trụ cột trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Ví như: Đến nay, nhiều chương trình đã quá thời hạn, cần xem xét, điều chỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mới như đào tạo kỹ năng, thúc đẩy đầu tư công, hay những dự án đầu tư năng lượng mới.

Bốn là, việc triển khai chính sách tài khoá trên thực tế có thể rút ra bài học hữu ích không phải từ hoạch định mà từ việc thực thi chính sách tốt để từ đó giúp các chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển nền kinh tế phát huy được hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!


Tác giả: Văn Trường (lược ghi)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo