Chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào
Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần thứ 7 do Tòa án nhân dân tối cao đăng cai tổ chức diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/7, tại tỉnh Quảng Nam.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình (giữa) cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Campuchia Chiv Keng (trái) và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Viengthong Siphandon (phải) chủ trì hội nghị
Các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam; Chiv Keng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia, Chánh án Tòa án tối cao Campuchia; Viengthong Siphandon, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào cùng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, có đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng hơn 100 đại biểu đến từ Tòa án của 3 nước: Việt Nam, Campuchia và Lào.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam là di sản vô giá đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước. Chúng tôi luôn coi trọng và dành ưu tiên cao độ, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong đó, việc thành lập và duy trì cơ chế Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước là mốc son trong lịch sử hợp tác, đặc biệt đối với lĩnh vực tư pháp, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa hệ thống tư pháp ba nước: không chỉ tập trung ở cấp trung ương mà thống nhất, lan tỏa tới cấp địa phương, hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và mong muốn của ba dân tộc...
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho rằng, chúng ta đã bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, với vô vàn biến cố khó lường. Những tổn thất còn sót lại của đại dịch, cộng hưởng với bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới trong việc phòng, chống tội phạm và giải quyết các tranh chấp dân sự xuyên biên giới.
Đặc biệt, nhiều vấn đề mới nổi lên trong khu vực ASEAN nói chung và khu vực Đông Dương nói riêng khiến việc ưu tiên hơn nữa, quan tâm hơn nữa tới công tác hợp tác quốc tế về tư pháp, nhất là phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tòa án có biên giới giáp ranh trở thành vấn đề cấp thiết. Đây cũng là một trong những định hướng mang tính chiến lược tại Kết luận Cuộc gặp cấp cao giữa Người đứng đầu ba Đảng, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 6/9/2023.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các đại biểu cùng tập trung thảo luận về 4 chủ đề quan trọng. Đó là: (1) Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ 6 năm 2022; (2) Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các tội phạm có yếu tố nước ngoài; (3) Tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án ba nước và (4) Chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, đặc biệt là một số điển hình, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án.
Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu hơn về kết quả triển khai 6 nhóm nhiệm vụ được thống nhất tại Thông cáo chung. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất thêm một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong bối cảnh mới.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, với nhiều yếu tố bất ổn đan xen, các hành vi buôn lậu, buôn bán người, buôn bán ma túy, rửa tiền, đánh bạc, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia,… đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ phức tạp. Do vậy, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, chia sẻ thêm kinh nghiệm xét xử với nhóm tội phạm này; đồng thời đưa ra sáng kiến mới trong việc phòng, chống các hành vi này phát sinh tại khu vực biên giới.
Từ đó, nâng cao hơn nữa tinh thần thượng tôn pháp luật ở mỗi quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, góp phần thúc đẩy phát triển an ninh-xã hội khu vực biên giới.
Cạnh đó, các đại biểu nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp nhằm tháo gỡ rào cản ủy thác tư pháp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tương trợ tư pháp, đặc biệt là giải pháp nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí khi thực hiện tống đạt văn bản của Tòa án cho đương sự hiện nay.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ chuyên môn đối với thẩm phán và việc triển khai áp dụng xét xử trực tuyến...
“Với tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm cao của các đại biểu, chúng ta sẽ tiếp tục có những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong của tòa án năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây cũng là cơ hội để Tòa án các tỉnh giáp biên đánh giá sâu hơn những thành tựu đã đạt được, chỉ ra những khó khăn và trao đổi thêm về cách thức, phương pháp hợp tác, đồng thời là cơ hội để hệ thống Tòa án ba nước tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị”, đồng chí Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc duy trì và phát huy hiệu quả của cơ chế Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước đã, đang và sẽ là cách thức tối ưu nhất để hệ thống Tòa án, đặc biệt là Tòa án cấp tỉnh tiếp tục trau dồi, nâng cao năng lực nghiệp vụ trong bối cảnh mới. Mở rộng hơn, hợp tác tư pháp Campuchia - Lào - Việt Nam của chúng ta hiện nay đang góp phần tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mekong.
Theo kế hoạch, Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần thứ 7 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19/7/2024 tại tỉnh Quảng Nam.
Tại hội nghị này, các đại biểu tập trung thảo luận về 4 chủ đề gồm: Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ sáu năm 2022; chia sẻ kinh nghiệm trong xét xử các tội phạm có yếu tố nước ngoài; tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án ba nước và chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Tòa án.
Kết thúc hội nghị, Chánh án Tòa án tối cao ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào sẽ ký Thông cáo chung lần thứ 7 thống nhất các nội dung đã thảo luận tại Hội nghị, đề ra phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, hoạt động ủy thác tư pháp và tương trợ tư pháp giữa Tòa án ba nước.
Nhân dịp này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam sẽ hội đàm song phương với Chánh án Tòa án tối cao Campuchia và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào.