A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội gì về cao tốc Bắc - Nam?

Các thủ tục 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ được phê duyệt đầu tư trước ngày 30/6/2022, phấn đấu giải phóng mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022 và khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 30/12/2022, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều 7/6 đến hết ngày 9/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ, chất lượng các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Theo đó, trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239 km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 883 km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024 km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM… Đồng thời, để thống nhất chỉ đạo, phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng và trực tiếp kiểm tra công trường để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

Hoàn thành công tác bồi thường

Đối với dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công  và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư ; đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài 652,86 km.

Công tác giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành công tác bồi thường (đạt 100%), bàn giao 652,205/652,86 km (đạt 99,7%), còn lại khoảng 0,655 km .

Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết tháng 5/2022 đạt khoảng 22.689,79/56.756,72 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng. Trong đó, 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng; 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng; 2 dự án kế hoạch năm 2024 sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, các dự án còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, về công tác giải phóng mặt bằng, Chính phủ, Bộ GTVT đã có nhiều công điện chỉ đạo, các địa phương đã tích cực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do dự án xây dựng giao thông trải dài, qua nhiều địa phương, diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư lớn, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh (xác định đơn giá bồi thường; di dời mồ mả, hạ tầng kỹ thuật, đường điện; khiếu nại của người dân…). Từ năm 2019 đến nay vẫn còn vướng khoảng 0,655 km chưa bàn giao mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.

Về nguồn vật liệu đắp nền đường, công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của tư vấn, ban quản lý dự án còn chưa sát với thực tế. Thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm, một số mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do phải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí kéo dài… Chính phủ đã ban hành các nghị quyết  để tháo gỡ về nguồn vật liệu, đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án, hiện chỉ còn khoảng 3,2 triệu m3 chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác .

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn như các dự án cao tốc dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Năng lực của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án còn hạn chế, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án. Một số nhà thầu năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính còn yếu kém dẫn đến chậm tiến độ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Trước những khó khăn, tồn tại đó, Chính phủ, Bộ GTVT đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bước đầu các dự án đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng. Chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực….

Khởi công 12 dự án thành phần trước ngày 30/12

Đối với các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư xây dựng với quy mô 6 làn xe, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai dự án bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục để phê duyệt đầu tư 12/12 dự án trước ngày 30/6/2022, phấn đấu giải phóng mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022 và khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 30/12/2022.

Cụ thể, về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước, Chính phủ đã có tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước. Hiện đang giải trình ý kiến của các cơ quan thuộc Quốc hội, dự kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 6/2022.

Đến nay, 12/12 tỉnh, thành phố đã có ý kiến về hướng tuyến và công trình trên tuyến và Bộ Quốc phòng đã có ý kiến thỏa thuận hướng tuyến các dự án thành phần; bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương 682,4/729 km (đạt 94%); các đoạn còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ trước ngày 30/6/2022. 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của 6/6 dự án thành phần đi qua trên 2 tỉnh, thành phố. Bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho 4 dự án và đang tiếp tục xem xét phê duyệt ĐTM các dự án còn lại trước ngày 10/6/2022…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang được gấp rút triển khai với một khối lượng công việc rất lớn, trong đó một số nội dung công việc quan trọng, phức tạp cần có sự phối hợp tích cực, hiệu quả và sớm hoàn thành của các bộ, ngành và các địa phương.

Thời gian qua các địa phương đã tích cực thực hiện công tác khảo sát, điều tra, đo đạc, kê khai, kiểm đếm, trích lục bản đồ sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất; rà soát, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện.

Riêng đối với dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cát đắp bảo đảm chất lượng chủ yếu tập trung ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Trường hợp không bố trí đủ nguồn cung cấp  sẽ có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Từ đó, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp với các an quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.

Đồng thời, đề nghị các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi đã được bàn giao, không đợi đến khi phê duyệt dự án đầu tư mới triển khai thực hiện.


Tác giả: Theo Đình Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo