Trái phiếu xanh “tiếp nhiên liệu” cho sự phát triển bền vững
Thị trường đang dần sôi động
Trái phiếu xanh là loại hình huy động vốn cho các dự án xanh, bảo vệ môi trường như: Năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học… Đặc điểm nổi bật của trái phiếu xanh là nguồn vốn huy động phải được sử dụng đúng mục đích và minh bạch trong báo cáo tài chính, nhằm đảm bảo tính bền vững và uy tín của tổ chức phát hành.
Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2007 bởi Ngân hàng Thế giới (WB). Thị trường này tăng trưởng chậm trong gần một thập kỷ, nhưng sau đó bắt đầu “cất cánh” và ngày càng được quan tâm, với quy mô hàng trăm tỷ mỗi năm, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50-60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỷ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.
Theo ước tính của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46.000 tỷ USD và nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đã tăng mạnh trong vài năm gần đây.
Báo cáo của WB cho thấy, tổng giá trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (GSSS) phát hành trên thị trường đạt khoảng 5,7 nghìn tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đạt 636 tỷ USD, trong đó, giá trị phát hành trái phiếu xanh đạt 382 tỷ USD, chiếm 60% tổng giá trị trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, giá trị phát hành trái phiếu xanh đã đạt 01 tỷ USD, tương đương 2% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành và con số này sẽ tăng lên trong giai đoạn 2024 - 2025. Trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Cập nhật mới nhất theo báo cáo của FiinRatings, 10 tháng năm 2024, Việt Nam có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành với tổng giá trị 6,87 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành 10 tháng năm 2024. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận bao gồm bởi FiinRatings về Khung Trái phiếu Xanh. Mặc dù đây vẫn chỉ là con số khiêm tốn nhưng rõ ràng thị trường trái phiếu xanh đã có phần sôi động hơn so với những năm trước đó.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết, từ năm 2019 đến tháng 10/2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 152 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó BIDV phát hành khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 217 nghìn USD.
“Năm ngoái, BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng và tháng 4/2024, phát hành tiếp 3.000 tỷ đồng. Số lượng đăng ký mua rất đông, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và sẵn sàng là trả lãi suất là tương đối cao cho loại hình trái phiếu này”, ông Lực chia sẻ.
Vẫn còn nhiều rào cản
Phía ngành Ngân hàng cho biết, khó khăn lớn nhất là phải xây dựng khung Trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế và phải được bên thứ ba đánh giá xếp hạng một cách độc lập, dựa trên bốn trụ cột chính về: Lựa chọn các dự án đáp ứng các tiêu chí xanh của hiệp hội thị trường vốn quốc tế; Đánh giá thẩm định lựa chọn giám sát cho vay đúng quy định; Đánh giá các tác động của dự án sau cho vay; và Chế độ báo cáo minh bạch được kiểm toán độc lập.
Báo cáo từ WB cho thấy, đến năm 2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh Việt Nam cần phải thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm tức là khoảng 368 tỷ đô la mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng đầu tư này ít nhất một nửa đến từ khối tư nhân vì vậy cần có các cơ chế khuyến khích.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ketut Ariadi Kusuma – Chuyên gia Tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và Sáng tạo (WB), lượng trái phiếu xanh phát hành tại Việt Nam còn hạn chế vì thị trường vẫn đang trong giai đoạn mới và còn ít nhà đầu tư quan tâm.
“Để thúc đẩy điều thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu xanh nói riêng, tại Việt Nam, tôi nghĩ yếu tố minh bạch là rất cần thiết. Nhà đầu tư nên được biết họ đang đầu tư vào dự án ra sao, các chế độ báo cáo kiểm tra và giám sát đối với dự án”, ông Ketut cho hay.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Cương – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment cho rằng, thủ tục để xác nhận dự án xanh hiện chưa được “thông thoáng”, thiếu danh mục phân loại xanh cấp quốc gia. Hơn nữa, đối với các tổ chức phát hành, quá trình phát hành trái phiếu xanh sẽ tốn nhiều công sức, thời gian và thủ tục hơn so với trái phiếu doanh nghiệp thông thường.
“Để khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, thiết nghĩ, cơ quản lý nên xem xét hỗ trợ các chi phí xác nhận về việc tuân thủ, từ đó giúp các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc phát hành trái phiếu xanh”, bà Trần Thị Kim Cương chia sẻ.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đưa ra giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh nhằm tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.