Tín dụng phục hồi mạnh, ngân hàng “đua” phát hành trái phiếu
Dù thanh khoản vẫn rất dồi dào, song để phục vụ nhu cầu tín dụng dự kiến tăng trưởng mạnh thời gian tới, các ngân hàng vẫn đua nhau phát hành trái phiếu để tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn.
Ngân hàng áp đảo thị trường trái phiếu
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ trong tháng 8, tính đến ngày 23/8, đã có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị đạt 33.391 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng chiếm áp đảo với 19 đợt phát hành, giá trị phát hành lên tới hơn 29.800 tỷ đồng, chiếm 89% tổng giá trị phát hành.
Trong đó, có thể kể đến lô trái phiếu phát hành ra công chúng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trị giá 10.000 tỷ đồng. Kỳ hạn lô trái phiếu này là 10 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu + 2%/năm; nếu không mua lại trái phiếu thì từ kỳ thứ 5 lãi suất bằng lãi suất tham chiếu + 3%/năm.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng phát hành riêng lẻ tới 4 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2 – 3 năm, lãi suất 5,6%/năm. Ngân hàng Quân đội (MB) có 2 lô trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, tổng trị giá phát hành 4.000 tỷ đồng, lãi suất 5,45%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng phát hành 1 lô trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, trị giá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 5,5%/năm.
Trái phiếu ngân hàng chiếm tới gần 90% giá trị phát hành trong tháng 8 |
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) phát hành 2 lô trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 2.200 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và 7 năm và 1 lô ra công chúng trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm. Đối với trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất được HDBank đưa ra là 5,7%/năm, còn lãi suất kỳ hạn 7 năm bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước + biên độ 2,8%/năm.
Ngoài ra là các lô trái phiếu trị giá từ 64,5 – 1.000 tỷ đồng của các ngân hàng như VietinBank, BIDV, TPBank, BIDV, NamA Bank.
VBMA thống kê rằng lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 222.752 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành) và 206 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 199.979 tỷ đồng (chiếm 89,8% tổng số). Nhóm ngân hàng áp đảo với giá trị phát hành chiếm tới 71,5%.
Thời gian tới, các ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn qua kênh này. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) mới đây thông báo chào bán 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 6 đợt. Trong đó, đợt một là 15 triệu trái phiếu, được chào bán đến ngày 10/9, lãi suất cố định trong năm đầu tiên ở mức 7,9%/năm. Từ năm thứ 2, lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm.
BIDV cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3 và 4 năm 2024 với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn trên 5 năm.HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024, giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Cấp tập tăng vốn cấp 2
Trái phiếu của ngân hàng hiện được cho là kênh đầu tư an toàn, đồng thời hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm về mặt lãi suất.
Theo nhiều dự báo, trái phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động từ nay đến cuối năm khi các ngân hàng có nhu cầu lớn về vốn trung và dài hạn. VIS Rating cho rằng, các ngân hàng phát hành trái phiếu tăng trở lại thời gian qua để bổ sung vốn cấp 2 (vốn bổ sung), đáp ứng các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Bắt đầu từ đầu tháng 10 năm ngoái, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 34% như trước đây.
Ngoài ra, tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động phải dưới 85%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của các ngân hàng tăng chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.
Theo dự báo của VIS Ratting, trong 1-3 năm tới, khối ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Tương tự, FiinRatings cũng cho rằng trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn hơn các năm trước khi giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng đến thời điểm hiện tại đã tăng 7,75%, đặc biệt tăng nhanh kể từ tháng 7 vừa qua. “Năm nay, với tốc độ cũng như xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là so với trước kia, tình hình khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá là rất tích cực, chúng tôi tin rằng chúng ta có khả năng đạt được 15%” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.