A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thu hút FDI: Cần chiến lược chọn lọc, dài hạn

Thay vì tập trung vào mục tiêu gia tăng số lượng dự án FDI, cần hướng đến chiến lược có chọn lọc, chú trọng vào chất lượng và giá trị gia tăng.

 
Phiên thảo luận giữa lãnh đạo ban ngành và các doanh nghiệp về Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới
Phiên thảo luận giữa lãnh đạo ban ngành và các doanh nghiệp về Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới
 

Trước những biến động khó lường của thương mại toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần tái định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo mục tiêu tập trung vào giá trị, thay vì số lượng.

Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025 tổ chức vào ngày 23/4/2025 tại Hà Nội.

quality-restoration-20250424111648241.jpg

Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới là chủ đề được nhiều bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm.

Tăng trưởng ấn tượng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đánh giá đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dòng vốn FDI không chỉ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà còn giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 510 tỷ USD, góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm.

Chỉ riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước.

 

Đó là những thành quả rõ nét cho những quyết sách và nỗ lực của Việt Nam trong thu hút FDI. Tuy nhiên, chúng ta cần điều chỉnh tư duy, cách làm để thích nghi và đặc biệt đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.

Cần thu hút đầu tư có chọn lọc, mang giá trị chuyển đổi cao

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”.

quality-restoration-20250424110818843.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh quan điểm cần chọn lọc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn nhân lực trong nước được xem là một trong những trụ cột quan trọng giúp nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo đại diện Bộ Tài chính, lực lượng lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá cao về trình độ và kỹ năng.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia Việt Nam hiện đang nắm giữ các vị trí quản lý chủ chốt trong bộ máy điều hành của các tập đoàn nước ngoài, cho thấy môi trường làm việc tại Việt Nam đang dần đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.

 

“Việt Nam đang có môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI”. Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận về việc nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề mang tính cố hữu và then chốt, ảnh hưởng đến tốc độ cũng như hiệu quả thu hút đầu tư.

Thể chế, chính sách là yếu tố tiên quyết

Trước yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Chính phủ xác định cải cách thể chế và hiện đại hóa hành chính là nhiệm vụ ưu tiên.

Theo ông Trung, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế, hải quan và các quy trình hành chính liên quan đến đầu tư theo hướng tự động hóa, số hóa, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Song song với đó, Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng cần triển khai hàng loạt giải pháp cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu hút đầu tư, trong đó tập trung tinh gọn bộ máy, hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, các chủ trương về chuyển đổi số, khoa học – công nghệ, sắp xếp lại địa giới hành chính và tăng cường hợp tác quốc tế cũng đang được thúc đẩy theo định hướng từ các nghị quyết của Bộ Chính trị.

quality-restoration-20250424110835516.jpg

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương trao đổi tại Diễn đàn.

Những thay đổi mang tính chiến lược trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc định hình lại chính sách thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài. Thay vì thu hút ồ ạt, Việt Nam đang chuyển hướng sang chiến lược chọn lọc, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có khả năng kết nối chuỗi cung ứng, đồng thời tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu – phát triển (R&D) và công nghiệp nền tảng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, ông Sơn kỳ vọng niềm tin của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dành cho thị trường Việt Nam vẫn được duy trì và tiếp tục được củng cố.

Trong khuôn khổ diễn đàn, phiên thảo luận “Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: gắn kết khu vực FDI và kinh tế trong nước, tạo bứt phá tăng trưởng cao và phát triển bền vững” cũng được mở ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời tăng trao đổi đa chiều giữa các đơn vị làm chính sách, các đơn vị quốc tế, doanh nghiệp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI tiêu biểu cũng đã được vinh danh tại Giải thưởng Rồng Vàng 2025-Golden Dragon Awards 2025 với 6 nhóm ngành tiêu biểu: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số và dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo