A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát động Phong trào thi đua ‘Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số’

Sáng 24/4, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số".
 

Dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hội đồng); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.

KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là con đường quan trọng nhất để bứt phá

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuyên bố phát động Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và nêu rõ đây là một sự kiện quan trọng ở một thời khắc quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh: Trong thế giới ngày nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường quan trọng nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

Nhắc đến Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho rằng, đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho phát triển nhanh và bền vững, là lời hiệu triệu mạnh mẽ, kêu gọi, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Thể chế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện. Hạ tầng số phát triển mạnh mẽ; kinh tế số có bước phát triển vượt bậc; dữ liệu số được xây dựng và đẩy mạnh kết nối, khai thác; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước phát triển hiệu quả. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Xếp hạng quốc tế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Những kết quả đạt được là cơ bản. Nhưng bên cạnh đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế...

Từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng, để thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao), chúng ta cần phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là không có giới hạn, không có biên giới, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính, không phân biệt tôn giáo.

phat-dong-24425.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu phát động Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

3 nhiệm vụ chủ yếu và 3 “quyết tâm”

Trong bối cảnh đó, Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" được phát động tại buổi lễ hôm nay và phong trào "Bình dân học vụ số" đã được phát động, theo Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu chủ yếu sau đây.

Một là, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cả dân tộc, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân; phấn đấu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.

Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến.

Hai là, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân, tự lực tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh, với quan điểm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Đến năm 2025, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu số.

tt-pham-minh-chinh.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu lễ phát động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Để đạt được các nhiệm vụ quan trọng, mục tiêu chủ yếu nêu trên, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước nỗ lực thi đua thực hiện "3 quyết tâm":

Thứ nhất, quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thiện thể chế, pháp lý để tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo. Phải thực sự vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; phân công nhiệm vụ theo tinh thần "6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ sản phẩm ".

Thứ hai, quyết tâm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mang tính đột phá. Trước mắt, trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh.

Đồng thời, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt Nam và người nước ngoài.

Thứ ba, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo an toàn, an ninh, bí mật, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình phát triển công dân số.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tập trung thực hiện thực hiện "3 sứ mệnh trọng tâm" sau đây:

Một là, xây dựng tầm nhìn, chiến lược lâu dài, bền vững, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; có cấu trúc kinh doanh chủ động, linh hoạt; văn hóa đổi mới mạnh mẽ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Hai là, chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để "đi tắt, đón đầu" làm chủ tương lai với tinh thần "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên". Đầu tư vào việc nghiên cứu các giải pháp mới thông minh, công nghệ quản lý; ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn vào các sản phẩm và dịch vụ, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ba là, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các công nghệ mới, số hoá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính đột phá để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trên thị trường.

img1874-1745463940596161315370.jpg

Thủ tướng thăm gian trưng bày đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của BKAV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt

Thời gian tới, để thực hiện thành công Phong trào thi đua "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số", Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong trong nâng cao năng lực số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương và cơ quan mình với tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó", "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng Phong trào. Doanh nghiệp công nghệ giữ vai trò dẫn dắt, tiên phong; chính quyền đồng hành; người dân tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào với phương châm: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng khích lệ, động viên kịp thời bằng nhiều hình thức đa dạng đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các cơ quan truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương, biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, tiêu biểu, cách làm hay, đổi mới sáng tạo, hiệu quả, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", "tích cực hóa cái tiêu cực" bằng việc phân tích những khó khăn, thách thức, hạn chế và đề xuất giải pháp.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số; nếu không thì kinh tế số, xã hội số không thể phát triển, đất nước không thể phát triển nhanh và bền vững.

Nhìn lại lịch sử trong suốt 77 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948), tinh thần thi đua đã trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và huy động hiệu quả sức mạnh toàn dân tộc. Các phong trào thi đua liên tục được phát động qua các thời kỳ lịch sử, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, mọi thử thách và giành được những thắng lợi vẻ vang.

Với tinh thần đó, Thủ tướng trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, các tổ chức, cộng đồng và các cháu học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đã phát biểu hưởng ứng phong trào; cam kết triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng.

 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo