A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cổ phiếu "nữ hoàng cá tra" trượt về vùng đáy 17 tháng, triển vọng nào cho năm 2023?

Cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” tụt dốc nhanh chóng trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp “đi lùi” và dự báo còn phải đối diện nhiều thách thức khi tình hình xuất khẩu kém sáng.

Năm 2022 được xem là thời điểm thăng hoa nhất của ngành cá tra với giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục lịch sử khi tăng 63% lên mức 2,4 tỷ USD. Xuất khẩu cá tra thắng lớn, cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử ở mức 107.000 đồng/cp hồi tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, tính đến hết phiên ngày 2/3, thị giá VHC giảm 47% xuống mốc 56.600 đồng/cp, vốn hóa cũng mất đi khoảng 9.300 tỷ đồng so với mức đỉnh. Đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này từ tháng 11/2021.

Cổ phiếu nữ hoàng cá tra trượt về vùng đáy 17 tháng, triển vọng nào cho năm 2023? - Ảnh 1.

 

Cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” tụt dốc nhanh chóng trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp “đi lùi” và dự báo còn phải đối diện nhiều thách thức khi tình hình xuất khẩu không quá thuận lợi.

Doanh thu tiếp tục giảm mạnh khi các thị trường lớn gặp khó

Bức tranh kinh doanh ảm đạm của Vĩnh Hoàn thể hiện rõ khi doanh thu xuất khẩu chỉ đạt 462 tỷ đồng trong tháng 1/2023, giảm 45% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu xuất khẩu của VHC đi lùi và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Đáng chú ý, doanh thu cá tra - nguồn thu chủ lực của Vĩnh Hoàn giảm 44% so với cùng kỳ về mức 273 tỷ đồng. Nếu so với mức đỉnh cao hồi tháng 4/2022, doanh thu mảng cá tra của VHC đã giảm xấp xỉ 76% giá trị.

Cổ phiếu nữ hoàng cá tra trượt về vùng đáy 17 tháng, triển vọng nào cho năm 2023? - Ảnh 2.

 

Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ (nước nhập khẩu chính sản phẩm của Vĩnh Hoàn) giảm tới 65% xuống 117 tỷ đồng, thị trường châu Âu cũng sụt giảm tới 28%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng đi xuống 34% còn 140 tỷ đồng. Mặc dù thị trường Trung Quốc có sự cải thiện 22% lên 32 tỷ đồng nhờ chính sách mở cửa, song tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.

Doanh thu xuất khẩu của "nữ hoàng cá tra" hạ nhiệt trong bối cảnh xuất khẩu mặt hàng này gặp khó hơn giai đoạn trước. Ngành thuỷ sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức trong nửa sau của năm 2022 do lạm phát dai dẳng và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu.

Diễn biến kém tích cực này được dự báo sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra tháng 1/2023 đạt 83,6 triệu USD, giảm 44% so với tháng trước đó và giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra tháng 1/2023 sang tất cả các thị trường chính đều giảm mạnh, trong đó thị trường Mỹ giảm sâu nhất khi các thông số đều âm hai con số.

Cổ phiếu nữ hoàng cá tra trượt về vùng đáy 17 tháng, triển vọng nào cho năm 2023? - Ảnh 3.

 

Thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp đã bắt đầu tăng trưởng âm trong quý 4/2022 . Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VHC trong quý 4 giảm 56% còn 199 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 liên tục VHC suy giảm lợi nhuận sau khi đạt đỉnh vào quý 2/2022. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh bứt phá trong nửa đầu năm, tính chung cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp vẫn đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ.

Kinh doanh gặp khó, doanh nghiệp này còn nhận “trái đắng” khi đem tiền đầu tư chứng khoán. Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, công ty đang đầu tư 179 tỷ đồng vào chứng khoán và đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 77 tỷ đồng, tương ứng mức tạm lỗ danh mục là 43%. Trong danh mục đầu tư chứng khoán, Vĩnh Hoàn dự phòng 26 tỷ đồng tại cổ phiếu NLG, gần 37 tỷ đồng tại cổ phiếu DXS và 7,7 tỷ đồng tại cổ phiếu KBC và 6,5 tỷ đồng ở những cổ phiếu khác.

Cổ phiếu nữ hoàng cá tra trượt về vùng đáy 17 tháng, triển vọng nào cho năm 2023? - Ảnh 4.

 

Vẫn còn không ít thách thức

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều dự báo cho rằng đơn hàng xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ cải thiện đáng kể trong quý 2/2023. Dù tin rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU, nhưng giới phân tích vẫn đưa ra lưu ý rằng, điều này không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty thủy sản trong nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân có thể là do mức lợi nhuận cao của các doanh nghiệp thủy sản vào năm 2022 và quan ngại về mức độ chắc chắn của các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc.

Riêng Chứng khoán VDSC cho rằng tác động của sự kiện này đối với các doanh nghiệp sẽ không đồng nhất. Mặc dù các công ty có doanh thu xuất khẩu tại thị trường này có thể sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của các đơn đặt hàng, nhưng điều này không đủ để đưa ngành thủy sản trở lại chu kỳ tăng.

Thứ nhất, sự phục hồi dự kiến của thị trường Trung Quốc dự kiến chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm ở các thị trường khác trong năm 2023. Thứ hai, trong khi sự phục hồi chủ yếu về mặt sản lượng xuất khẩu, giá bán dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp và giá cá nguyên liệu vẫn ở mức cao, dẫn đến chênh lệch âm (price gap) giữa giá bán và giá nguyên liệu, điều này sẽ thu hẹp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.

Do đó, bất chấp tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, VDSC vẫn duy trì quan điểm lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023.

Đặc biệt, khối lượng xuất khẩu đang cho thấy triển vọng ảm đạm trong nửa đầu năm 2023. Hệ quả là Vĩnh Hoàn (VHC) bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng trong Q4/2022 và tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2023.

VDSC dự báo doanh nghiệp này có thể tăng trưởng âm trong năm 2023 do giá bán và sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Theo đó, doanh thu của VHC được dự báo đạt 12.050 tỷ đồng, giảm 15% so với ước tính thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ là 1.586 tỷ đồng, giảm 31% so với ước tính thực hiện trong năm 2022.

Tuy vậy, mức lợi nhuận năm 2023 dự báo vẫn cao hơn mức trước năm 2022 do giá bán và sản lượng khó giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát giúp tăng tiêu dùng thực phẩm giá rẻ như cá tra. Mảng collagen và gelatin (C&G) làm giảm bớt mức độ sụt giảm lợi nhuận trong những năm khó khăn của mảng cá tra; không còn tình trạng dư cung nguyên vật liệu như giai đoạn 2018-2019 giúp giá nguyên vật liệu và giá bán không giảm đột biến.

Với giả định sản lượng tiêu thụ sẽ ổn định và giá bán bình quân cá tra đạt 3,90 USD/kg trong năm 2023, Chứng khoán SSI kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm 2023 của Vĩnh Hoàn.

Trong khi đó, giá bán bình quân bán sang Trung Quốc vẫn thấp hơn so với giá bán sang Mỹ khoảng 15%, cho thấy áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn còn. Đội ngũ phân tích giả định chi phí thức ăn thủy sản giảm 13% so với cùng kỳ, giảm ít hơn đáng kể so với mức giảm giá bán bình quân. Do đó, SSI cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn sẽ giảm 260 điểm cơ bản trong năm 2023.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo