Đồng bộ các cơ chế khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số
Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới” vừa được Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân cùng Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phối hợp tổ chức, ngày 10/4.
Các chuyên gia kinh tế thảo luận nhiều vấn đề tại Hội thảo, trong đó đề cập đến vai trò của kinh tế số như là một trong những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, cùng với các động lực tăng trưởng mới đến từ khu vực kinh tế tư nhân; chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo hướng tới các ngành công nghệ cao thì động lực tăng trưởng từ kinh tế số cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Một trong những vấn đề then chốt đầu tiên, đó là cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế số. Muốn vậy, Việt Nam cần chú trọng trước hết đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số trên quy mô cả nước cũng như thể chế vùng kinh tế và địa bàn tỉnh, thành phố.
Không những vậy, việc hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý còn phải phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý của khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng GDP nói chung.
Gợi mở một số chính sách cụ thể cần được ưu tiên, các chuyên gia thống nhất cho rằng, cần tạo cơ chế khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số; thúc đẩy cạnh tranh tự do giữa các doanh nghiệp, tránh hình thành thị trường độc quyền. Bên cạnh đó, cần đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia và các dữ liệu nhạy cảm, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi thông tin sai lệch, khỏi vi phạm thông tin cá nhân.
Hơn nữa, cần giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, ưu tiên các dự án kinh tế số mang tính liên ngành, liên khu vực; gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công để đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số. Đồng thời, chuyển mạnh từ ứng dụng công nghệ sang phát triển công nghệ mới, song song kết hợp với nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Cũng theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo, hiện nay, mặc dù vai trò của kinh tế số đang ngày càng quan trọng, tốc độ tăng trưởng cao với giá trị gia tăng của kinh tế số năm 2024 ước đạt 62,7 tỷ USD, chiếm 13,17% GDP, nhưng đóng góp của vốn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đến tăng trưởng GDP còn rất thấp, nguồn nhân lực sẵn sàng cho phát triển kinh tế số còn rất hạn chế. Do đó, cần chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế số và các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).
Đưa ra một số khuyến nghị cụ thể, nhóm chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân chỉ rõ:
Thứ nhất, Nhà nước cần có chiến lược và kế hoạch cung cấp giáo dục và đào tạo để mọi người dân đều có được kỹ năng và kiến thức để tham gia tích cực và hiệu quả vào nền kinh tế số.
Thứ hai là cần có chính sách cụ thể và giải pháp khuyến khích học tập suốt đời.
Thứ ba là thúc đẩy văn hoá đổi mới số trong các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và xã hội.
Thứ tư là tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số.
Thứ năm là cần đổi mới, hiện đại hoá chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề và chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội và yêu cầu cụ thể của nền kinh tế số./.