A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đẩy mạng liên kết vùng để tạo ra giá trị bền vững trong nông nghiệp

Liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành một chiến lược quan trọng nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Việc hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân không chỉ giúp khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

* Phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

Việt Nam là một quốc gia rất có tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp, tuy nhiên quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Nông sản của đất Việt luôn được người tiêu dùng trên toàn thế giới tin dùng, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Tình trạng được mùa nhưng mất giá thường xuyên diễn ra mà nguyên nhân sâu xa không nằm ở chất lượng mà do bị “tắc” ở khâu tiêu thụ. Nhiều cuộc hội thảo bàn về việc đưa nông sản đến với các thị trường lớn được tổ chức và nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc liên kết các nhà sản xuất và có những định hướng cụ thể trong hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp tiên quyết và lâu dài.

Quyết định số 975/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng; điều phối liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp

Sơn La là một trong những tỉnh miền núi có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp với hơn 400 nghìn ha đất canh tác và 40 nghìn ha diện tích lòng hồ thủy điện. Toàn tỉnh hiện có hơn 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Nông nghiệp Sơn La dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; giải quyết những khó khăn, các vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, cho doanh thu từ 200 - 800 triệu đồng/ha trở lên

Hướng đến mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của vùng Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, trong tương lai, tỉnh phải hình thành được nền sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao, tạo đà thu hút các doanh nghiệp chế biến lớn trên cơ sở liên kết vùng, còn nếu nội tỉnh thì chỉ có các nhà máy chế biến quy mô nhỏ, giá trị kinh tế thấp... Hiện nay, Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên đang liên kết trồng dứa cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO và liên kết trồng mắc-ca cho các nhà máy chế biến lớn, hiệu quả bước đầu đem lại rất cao.

Thực tế cho thấy, dù hiệu quả đem lại rất cao nhưng liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Các vùng trên cả nước thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Ông Nguyễn Văn An, chủ một trang trại chăn nuôi tại tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, tham gia vào liên kết vùng giúp trang trại của ông tiếp cận được nguồn giống chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến và thị trường tiêu thụ ổn định. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể, thu nhập cũng tăng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn An cũng nhấn mạnh một số thách thức: “Việc duy trì mối liên kết giữa các bên không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cần có cơ chế rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để đảm bảo liên kết được bền vững”.

* Xây dựng lộ trình phát triển với các nhóm giải pháp hiệu quả

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, liên kết vùng giúp các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả hơn nhờ quy mô lớn, đồng thời tận dụng được lợi thế của từng địa phương trong vùng. Nhấn mạnh, muốn đi xa phải đi cùng nhau, ông Nguyễn Văn Thịnh khẳng định, thời gian tới phải bứt phá khỏi cách làm cũ, nhất là cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau. Liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền cho biết, để hướng đến việc xuất khẩu sản phẩm ra thế giới, công ty tham gia xây dựng chuỗi giá trị, làm việc trực tiếp với nông dân Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. Hiện, công ty đang liên kết với 3.000 nông dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại do bà con chưa tin tưởng và năng lực còn hạn chế. Công ty đã mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo cho các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

“Hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận các ưu đãi trên, cắt giảm thủ tục hành chính; nhất là về tiếp cận nguồn tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, liên kết vùng không chỉ là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững mà việc liên kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và các bên liên quan trong chuỗi giá trị còn mang đến cơ hội kinh tế, giúp nhiều gia đình thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững. Đồng thời, liên kết vùng cũng giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước và lao động, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc phát triển các vùng sản xuất chuyên canh và áp dụng công nghệ cao sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Phân tích về tiềm năng của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho hay, trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp đã bước phát triển vượt bậc, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, quy mô lớn, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, gia trại đã chủ động liên kết tạo ra giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như: Diễn đàn nông dân, tuyên dương nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu… là cơ hội để nông dân các vùng có thể liên kết, hợp tác với nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, xây dựng được vùng liên kết đã khó, giữ được vùng và mối liên kết càng khó khăn hơn. Để tạo dựng và duy trì vùng liên kết phát triển bền vững, không bị đứt gãy, ngoài việc chủ động giữ vững mối liên kết giữa “4 nhà”, mỗi “nhà” (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) cần xây dựng lộ trình phát triển với các nhóm giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế…/.

Đỗ Bình


Tác giả: Đỗ Phương Bình
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo