A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nông dân Ðồng bằng sông Cửu Long vui Tết nhờ nông sản được mùa

Nông dân Ðồng bằng sông Cửu Long vui Tết nhờ nông sản được mùa

 

Ðóng gói bưởi da xanh ở Công ty Hương Miền Tây (Bến Tre) phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Phước Bình

Ðóng gói bưởi da xanh ở Công ty Hương Miền Tây (Bến Tre) phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Phước Bình

Có tiền sắm Tết…

Mấy ngày nay cá tra nguyên liệu ở vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) hút hàng, giá liên tục tăng làm cho người nuôi phấn khởi. Hiện thương lái và doanh nghiệp săn lùng cá tra loại tốt với giá 30.000-31.500 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi có lãi từ 3.000-5.000 đồng/kg, cao nhất trong vài năm gần đây.

Chia vui với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp), cho hay: "Nếu như 6 tháng đầu năm 2024 người nuôi không lời nhiều do giá dao động chỉ 26.500-27.500 đồng/kg; nhưng nay giá tăng mạnh, nhờ đó mà 300 tấn cá của gia đình tôi vừa thu hoạch đã có lợi nhuận gần 1 tỉ đồng. Số tiền này vừa dành để tái đầu tư cho vụ kế tiếp, vừa đảm bảo cho cả nhà ăn Tết lớn…".

Cùng niềm vui trên, ông Võ Văn Thanh, thành viên HTX Dịch vụ thủy sản Châu Thành chia sẻ: "Cách nay vài tuần gia đình ông thỏa thuận bán 250 tấn cá tra nuôi theo chuỗi liên kết cho Công ty TNHH Cỏ May (Ðồng Tháp) với giá 29.000 đồng/kg; trong đó có quy định thời điểm thu hoạch cá nếu giá tăng lên thì sẽ điều chỉnh theo, nhờ vậy nên mức lợi nhuận vụ này khá cao, ăn Tết ngon lành".

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu cá tra về đích với kim ngạch 2 tỉ USD, tăng 9,6%. Cùng với đó là thị trường xuất khẩu thời điểm đầu năm 2025 khá nhộn nhịp, đơn hàng nhiều nên các nhà máy đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để chế biến nhằm cung ứng kịp thời cho đối tác nhập khẩu, do đó giá cá tăng theo và người nuôi có lợi nhiều nhất...

Nhiều nông dân nuôi tôm ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng trong niềm vui được giá. Ông Lê Văn Tâm, ngụ xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), tâm sự: "Thương lái thu mua tôm càng xanh loại 1 từ 115.000-140.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá từ 220.000-230.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 20 con/kg từ 225.000-235.000 đồng/kg… đảm bảo cho người nuôi có lãi tốt. Gia đình tôi vừa thu hoạch 1ha tôm càng xanh, bán bình quân được giá 130.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng, đủ chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới". Theo ông Thế, bà con vùng này sống nhờ nuôi tôm, nhưng vài năm trước giá không ổn định nên hiệu quả canh tác không cao. Năm 2024 tình hình cải thiện hơn khi tôm nguyên liệu có giá tốt, bởi xuất khẩu thuận lợi.

Tại Cà Mau, nhiều nông dân cũng đang thu hoạch tôm để đón Tết. Ông Trần Văn Ðâu, ngụ xã Thới Bình (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), tâm sự: "Sau hơn 5 tháng thả nuôi, gia đình tôi vừa thu hoạch gần 2ha tôm càng xanh bán được gần 130.000 đồng/kg, bỏ túi vài chục triệu đồng để đón Tết thoải mái". Theo UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 278.000ha tôm nuôi các loại, sản lượng mỗi năm khoảng 243.000 tấn và là địa phương có diện tích tôm lớn nhất vùng ÐBSCL.

Trong năm 2024, tỉnh tập trung xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tôm; cộng với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết đã mang lại nhiều cơ hội, lợi thế; ngoài ra nhu cầu nhập khẩu thủy sản ở nhiều thị trường như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cải thiện tốt; nhờ đó xuất khẩu thủy sản của Cà Mau vượt mức 1,1 tỉ USD, tăng gần 6%. Cũng từ xuất khẩu tăng trưởng tốt nên bà con nuôi tôm cải thiện đời sống…

Cùng với thủy sản thì nông dân sản xuất rau quả cũng có cái Tết đầm ấm nhờ được mùa được giá. Ông Nguyễn Vũ Linh, ngụ xã Trường Long (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ), chia sẻ: "Gia đình vừa thu hoạch 5 công vú sữa cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ với giá 50.000 đồng/kg; trừ chi phí còn lãi khoảng 70%, cao hơn những năm trước". Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long (huyện Phong Ðiền, TP. Cần Thơ), HTX có 45 thành viên trồng vú sữa và sầu riêng thì năm 2024 đều đạt hiệu quả cao.

Ðặc biệt, giá sầu riêng cao khoảng 120.000-130.000 đồng/kg (giống Ri 6) và 170.000 đồng/kg (giống Mon thong) giúp 100% thành viên có lợi nhuận, hộ trồng ít cũng lời được 400-500 triệu đồng trong năm 2024, còn trồng nhiều thì lãi 3-5 tỉ đồng. Những ngày qua, một số xã viên tất bật sửa chữa nhà mới khang trang hơn, mua sắm các phương tiện trong gia đình… để đón cái Tết lớn nhất trong nhiều năm nay…

Liên kết để nông dân tránh rủi ro

Ðưa chúng tôi ra thăm khu vườn sầu riêng Ri 6 rộng khoảng 3ha của mình, Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A - Trần Văn Chiến tiết lộ, mặc dù toàn bộ khu vườn cho trái chưa hết, nhưng sản lượng vụ này ước từ 45-50 tấn; dự kiến trong quý I-2025 sẽ thu hoạch để cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Trần Văn Chiến cho rằng, để vườn trái cây của HTX thu về bạc tỉ như hiện nay là cả một quá trình dài kiên trì vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm, không liên kết, thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật… sang hợp tác, quy tụ bà con vào HTX để "cùng làm, cùng hưởng".

Khi HTX ra đời đã mở hướng đi mới làm thay đổi tư duy sản xuất của từng thành viên, hướng việc sản xuất gắn nhu cầu thị trường tiêu thụ thông qua hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Rồi quy trình canh tác được thay đổi nhờ ngành Nông nghiệp hỗ trợ phương pháp VietGAP, hữu cơ; đồng thời sử dụng kỹ thuật cho sầu riêng ra trái sớm nhằm bán được giá cao.

"Sầu riêng đang cho lợi nhuận lớn nhưng HTX không mở rộng diện tích tràn lan mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, cải thiện năng suất và ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác để giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan và các nước khác. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra một cách chặt chẽ, có như vậy mới bền vững được", ông Chiến nói.

Ðối với con cá tra hiện đang phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên các địa phương cũng thận trọng khi phát triển. Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: "Tỉnh có hơn 2.600ha nuôi cá tra thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 đạt hơn 8.800 tỉ đồng, tăng 2,86%.

Ðể nghề nuôi và xuất khẩu cá tra bền vững, tỉnh chủ trương liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, đến nay thực hiện được hơn 83% diện tích; song song đó cấp hơn 370 cơ sở về mã số nhận diện nuôi; đặc biệt là mở rộng diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, ASC… để đáp ứng vào các thị trường khó tính trên thế giới".

Theo Công ty TNHH Hùng Cá (Ðồng Tháp), những năm qua công ty đầu tư vùng nuôi cá tra nguyên liệu 700ha, được áp dụng quy trình khép kín, chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế. Công ty dành nhiều kinh phí để hoàn thiện hệ thống nước, ao nuôi đảm bảo môi trường và các tiêu chuẩn theo quy định… nhờ đó cá nuôi ít hao hụt, chất lượng tốt, giảm được giá thành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD, tăng 16,7% cho thấy ngành hàng tôm mang về kết quả tích cực; qua đó không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu tăng trưởng mà nhiều hộ nuôi tôm ở ÐBSCL cũng có thu nhập tốt. Tới đây, cùng với gia tăng xuất khẩu thì chú trọng đa dạng sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; nhất là đầu tư vào sản phẩm tôm sạch, hữu cơ…

Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) đề xuất phát triển mô hình tôm - lúa, một hình thức canh tác thuận thiên gắn liền với vùng ÐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này. Ðặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn, tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng. Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ từ 5-8 tấn lúa/ha và 300-1.000kg tôm.

Như vậy, mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỉ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công. Theo ông Quang, để phát triển thì cần liên kết tạo thành những cánh đồng mẫu lớn từ 1.000-10.000ha theo hướng vận động nông dân vào HTX kiểu mới để hợp tác với doanh nghiệp. Về phía Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã và đang hợp tác với các địa phương, cùng nông dân ÐBSCL phát triển mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC, BAP, hữu cơ… Qua đó, giúp bà con bán được tôm sạch giá cao, mang lại hiệu quả và phát triển bền vững.

Theo Báo Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo