A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tiếp cận kinh tế tuần hoàn để Côn Đảo phát triển bền vững

Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng hiện nay trên thế giới. Tại Việt Nam, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, thúc đẩy triển khai; coi là giải pháp tối ưu để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết thách thức trong quá trình phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 687/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; trong đó, nhấn mạnh quan điểm chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Huyện Côn Đảo có tiềm năng, lợi thế kinh tế biển nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức về môi trường, khí hậu, đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ được đặt hàng đầu của địa phương. Hiện kinh tế tuần hoàn đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn là giải pháp phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết thách thức của Côn Đảo, nhằm tạo mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế.

*Mức độ sử dụng tài nguyên hiệu quả ở Côn Đảo còn thấp

Khảo sát, đánh giá tại Côn Đảo, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã xây dựng được một sơ đồ thể hiện dòng chảy của rác thải nhựa tại Côn Đảo. Theo đó, tổng lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường xung quanh (không được thu gom) hàng năm là 32,4 tấn; tương đương khoảng 5,1 % lượng rác thải nhựa phát sinh. Nguồn gây thất thoát rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động của cộng đồng dân cư địa phương, dịch vụ du lịch, lưu trú trên đảo.

Bên cạnh đó, do hạ tầng xử lý rác thải còn yếu nên một khối lượng rác thải đáng kể phát tán từ bãi rác Bãi Nhát của huyện đảo, lên đến 16,8 tấn/năm, tương đương khoảng 2,7% tổng rác thải nhựa phát sinh hằng năm và chiếm hơn một nửa tổng lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường. Tỉ lệ tái chế và tái sử dụng tại huyện đảo rất thấp (8,2%). Phần lớn lượng rác này được vận chuyển về đất liền tái chế.

Ngoài ra, việc xuất hiện các bãi rác tự phát cũng là nơi phát thải rác nhựa ở mức nguy cơ cao. Hoạt động thu gom phế liệu trên Côn Đảo cũng chỉ ở mức thô sơ, tự phát, có nguy cơ phát thải ra môi trường. Cùng với đó, do đặc thù ngành nghề, các ngư dân có xu hướng xả thải trực tiếp xuống biển mà ít thu gom tập trung ở cảng, nên một lượng lớn rác thải nhựa bị thất thoát, nhất là trong những lúc có lượng lớn tàu đánh cá hoạt động.

Đánh giá hiện trạng kinh tế, xã hội và môi trường ở huyện đảo dựa trên các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, mức độ sử dụng tài nguyên hiệu quả ở Côn Đảo còn rất thấp do các hoạt động kinh tế vẫn theo quan điểm khai thác vốn thiên nhiên sẵn có. Ngoài ra, nguồn điện cung cấp chính cho Côn Đảo đến từ các máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (97,8%), trong khi quan điểm kinh tế tuần hoàn là tăng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Nguồn nước ngọt của Côn Đảo tập trung vào việc khai thác nguồn nước ngầm và nước mặt tự nhiên trong khi chưa có các giải pháp quản lý và sử dụng nước bền vững như: có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa cho sinh hoạt, hệ thống thu gom nước thải tập trung, xử lý nước thải, tái sử dụng nguồn nước... Người dân Côn Đảo chưa biết cách tận dụng và chia sẻ các nguồn nguyên liệu đầu vào từ các ngành sản xuất, hoạt động du lịch, xây dựng... Mức độ kéo dài vòng đời sản phẩm còn hạn chế, do các hoạt động tân trang, sửa chữa, tái sử dụng các sản phẩm điện tử, điện lạnh, quần áo, máy móc... trên đảo chưa phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là hạn chế về trình độ, nguồn lực và đối với các ngành nghề này khiến các sản phẩm hư hỏng nặng thường không được sửa chữa và bị thải bỏ.

Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu biển đảo có độ ẩm và hơi muối cao, các thiết bị và máy móc thường nhanh xuống cấp, hoen rỉ và hỏng hóc so với đất liền. Việc sửa chữa thường là thay mới linh phụ kiện hoặc thải bỏ do không có khả năng tái sử dụng. Các phương tiện giao thông cơ giới và máy móc như xe gắn máy và ô tô các loại hiện được sửa chữa ngay trên đảo, tuy nhiên chủ yếu đáp ứng ở mức độ hư hại nhỏ tới trung bình và các đồ thay thế thường được đặt hàng từ đất liền.

*Tiếp cận phát triển kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo

Sau khi nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 16/3/2023, về việc phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025 tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau đạt 10% vào năm 2030; tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 10% giai đoạn 2022-2025 và 30% cho giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ đạt 10% trong giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ thu gom, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng đạt 10% vào năm 2025 và 15% trong giai đoạn tiếp theo…

Để việc triển khai Đề án đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trong các nhóm giải pháp cơ bản: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể được nêu ra trong đề án, các nhà khoa học, chuyên gia tin tưởng trong thời gian tới, Côn Đảo sẽ có sự thay đổi tích cực. Một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường để đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra./.

Lý Thanh Hương


Tác giả: Lý Thị Thanh Hương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo