Đất “vàng” công sản 216 Trần Duy Hưng, Hà Nội về tay tư nhân không qua đấu giá: Đây có phải là lãng phí tài sản công không?
Không có quy định của pháp luật về chuyển nhượng một phần dự án, nhưng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú và UBND Thành phố Hà Nội vẫn “làm thủ tục” cho chuyển một phần dự án thuộc đất công sản cho doanh nghiệp tư nhân mới thành lập “15 ngày tuổi”, khiến dư luận không khỏi nghi ngại về những điều bất thường tại khu “đất vàng” 216 Trần Duy Hưng.
Dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building” của Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội được xây trên đất công, chưa qua đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: Công Thắng
Tự chuyển nhượng đất công sản cho nhau
Theo tài liệu liên quan đến lô đất 216 Trần Duy Hưng, ngày 27/1/2003, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-UB về việc cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long thuê 4.741m2 đất do Nhà nước quản lý tại địa chỉ số 216 Trần Duy Hưng, với thời hạn thuê đất là 45 năm, kể từ ngày 27/1/2003, để thực hiện dự án xây dựng công trình văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm.
Ngày 24/9/2014, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long đã làm thủ tục chuyển nhượng 2.373m2 đất tại số 216 Trần Duy Hưng (thửa B), của dự án xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Hợp đồng chuyển nhượng được hai công ty lập tại Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, số công chứng 34.2014/CNDA.
Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội thực hiện dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building” trên lô đất 216 Trần Duy Hưng, với thời hạn sử dụng đất 50 năm. Ảnh Công Thắng - Nguyễn Long
Về mục đích sử dụng 2.373m2 (thửa B) đất công sản nêu trên, cho tới khi được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội sử dụng, theo Quyết định số 6459/QĐ-UBND, việc chuyển nhượng này là để tiếp tục thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Như vậy, theo quyết định nêu trên, chức năng của thửa B khu đất 216 Trần Duy Hưng không có mục đích xây dựng tòa nhà cao tầng kết hợp trung tâm thương mại, căn hộ để bán.
Tại thời điểm các pháp nhân nêu trên chuyển nhượng một phần dự án, đây vẫn là tài sản thuộc đất công sản, và tại thời điểm đó, Luật Bất động sản 2006 vẫn có hiệu lực thi hành.
Theo quy định của luật này, tại thời điểm đó chỉ có quy định chuyển nhượng toàn bộ dự án, và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản. Điều đó cũng xác định là chưa có điều khoản nào quy định về việc cho phép chuyển nhượng một phần dự án. Bởi vậy, việc chuyển nhượng một phần dự án đất công sản 216 Trần Duy Hưng từ Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long, sang Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội tại thời điểm đó là việc làm vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng một phần dự án thuộc đất công sản 216 Trần Duy Hưng, vẫn được Văn phòng công chứng Nguyễn Tú xác nhận bằng việc công chứng hợp đồng, và được UBND Thành phố Hà Nội thực hiện bằng quyết định giao đất. Với việc làm nêu trên, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đã hợp thức thành công đất công sản ở vị trí “vàng” thành đất tư nhân, mà không phải qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Luật không cho phép, vẫn làm
Tại khoản 7, Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 27/1/2003, Hà Nội chỉ cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long thuê đất với thời hạn 45 năm để thực hiện dự án xây dưng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Trong quyết định này, không có quy định nào cho phép Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long được chuyển nhượng một phần dự án này cho doanh nghiệp khác.
Khi phát hiện việc chuyển nhượng nêu trên không có quy định trong luật, và đang vi phạm khoản 7, Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 27/1/2003, thay vì báo cáo UBND Thành phố Hà Nội thu hồi diện tích đất đã thuê của Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long, để tổ chức đấu giá thu tiền về cho ngân sách Nhà nước, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lại tham mưu bằng văn bản tới UBND Thành phố, giao đất cho pháp nhân “15 ngày tuổi” là Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội, để “hợp thức hóa” việc làm không được quy định trong luật.
Căn cứ vào tờ trình của Giám đốc Sở TN&MT, ngày 12/6/2014, UBND Thành phố Hà Nội có Văn bản số 4229/UBND-TNMT, chấp thuận chủ trương chia tách diện tích 4.741m2 đất, tại 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy thành 2 thửa đất, gồm thửa A có diện tích 2.368m2 và thửa B có diện tích 2.373m2.
Ngày 11/11/2014, lãnh đạo Sở TN&MT tiếp tục có Văn bản tham mưu số 6551/TTr-STNMT-ĐKTK về việc thu hồi, và giao 2.373m2 đất (thửa B) tại số 216 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy do Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long quản lý, sử dụng; giao cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội thuê “để tiếp tục thực hiện một phần dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm”. Thời hạn thuê đất đến ngày 27/1/2048. Hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Đơn giá thuê đất được tính theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và UBND Thành phố Hà Nội. Ngày 4/12/2014, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 6459/QĐ-UBND “hợp thức” hoạt động chuyển nhượng nêu trên.
Tính đến ngày 12/6/2014, đất công sản 216 Trần Duy Hưng ở vị trí "vàng” có diện tích 4.741m2 đã bị "chia hai", nhưng đơn giá thuê đất, thời hạn thuê đất và mục tiêu của dự án vẫn không hề thay đổi. Và Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội nghiễm nhiên được Hà Nội giao đất công sản mà không phải qua đấu giá để tiếp tục thực hiện một phần dự án chứ không phải làm dự án mới.
Dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building” được xây trên lô đất công sản 216 Trần Duy Hưng mà chưa đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định khi giao tài sản này cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Ảnh Công Thắng - Nguyễn Long
Hai năm sau đó, ngày 19/10/2016, Sở TN&MT tiếp tục có Tờ trình tham mưu số 10145/STNMT-QHKHSDĐ, và ngày 3/1/2017, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 01/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building” tại thửa B (diện tích 2.373m2) khu đất 216 Trần Duy Hưng.
Theo Quyết định 01/QĐ-UBND, nhà đầu tư thực hiện dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building”, là liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư bất động sản 216. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 791,8 tỷ đồng (trong đó vốn nhà đầu tư 158 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác 634 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 - quý IV/2019.
Sau 10 ngày kể từ khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của UBND Thành phố Hà Nội, liên danh này đã đem cầm cố dự án tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVCombank theo Hợp đồng vay vốn số 12/2017/HĐBĐ-PVB UPPER SME ngày 13/01/2017 để vay 800 tỷ đồng thực hiện dự án.
Vậy là từ thửa đất công sản 216 Trần Duy Hưng, qua những lần “phù phép” để chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân thuê không đấu giá quyền sử dụng đất, trên thửa đất công sản này đã mọc lên dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building” của Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Còn vốn thực hiện dự án như thông tin vừa nêu trên, thì việc xây dự án chẳng khác gì “mượn đầu heo nấu cháo”.
Không lẽ tài sản công “dễ dàng” thất thoát như vậy? Và đây có phải là lãng phí tài sản công không? Dư luận đang chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng.
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Theo Tổng Bí thư, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.