Thầy giáo trẻ thổi hồn cho giờ học ngoại ngữ
Không chỉ quan tâm tới việc dạy đúng, đủ mà thầy giáo trẻ Phan Mạnh Tiến luôn tích cực đổi mới phương pháp giúp học trò say mê với bài học.
Thầy Phan Mạnh Tiến – giáo viên Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên sinh năm 1990. Ảnh NVCC. |
Thầy Tiến tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên năm 2012 chuyên ngành Sư Phạm tiếng Anh, năm 2015 tốt nghiệp thạc sĩ năm ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng.
Luôn đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho học sinh
Mỗi tiết dạy tiếng Anh của thầy giáo trẻ Phan Mạnh Tiến – giáo viên Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thường bắt đầu bằng một trò chơi nhỏ do thầy tự chuẩn bị từ tối hôm trước nhằm giúp trò thoải mái bước vào tiết học và không gây cảm giác áp lực, mệt mỏi.
Theo thầy Tiến, trong quá trình giảng dạy việc dạy đủ kiến thức không khó, cái khó là làm sao để các trò tự nguyện hướng mắt lên bục giảng, sôi nổi, hứng thú tương tác với thầy đó mới là điều vị thầy giáo trẻ luôn trăn trở.
Bởi vậy, thầy Tiến luôn cố gắng khởi warm-up (khởi động) tiết học của mình bằng những trò chơi hay câu chuyện cười để các em sẵn sàng tâm lý đón nhận kiến thức.
“Tôi nghĩ sự nhanh nhẹn của não bộ cũng cần được làm nóng như cơ bắp vậy”, thầy Tiến chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng giờ học, thầy Tiến còn cho học trò làm việc theo nhóm, ghép cặp để trả lời các câu đố vui, trò chơi liên quan đến bài học. Từ đó, thầy định hướng học sinh của mình tự tìm hiểu kiến thức mới bên ngoài sách giáo khoa theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết hợp với sáng kiến cá nhân.
Những năm gần đây, thầy còn chú ý cho học trò dần làm quen với bài tập giao hàng ngày trên ứng dụng hay các trang bài tập trực tuyến của thiết bị thông minh,… để các em được củng cố kiến thức.
“Nhằm kích thích tinh thần học tập, học sinh nào có kết quả cao, tôi sẽ trích một phần nhỏ lương của mình để mua quà làm phần thưởng, như vậy các em cũng có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình”, thầy Tiến cười hiền nói.
Cũng nhờ phương pháp đó, nhiều học sinh của thầy Tiến từ sợ tiếng Anh đã trở nên tự tin học cũng như giao tiếp.
Trương Tuấn Tài, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Thực hành Cao Nguyên chia sẻ: “Giờ tiếng Anh do thầy Tiến đứng lớp luôn được chờ đón. Chúng em không áp lực, hào hứng sẽ được trải nghiệm các trò chơi khởi động hay những câu hỏi đố vui nhằm nhắc lại kiến thức.
Bên cạnh đó, thầy không quan trọng về điểm cao hay thấp, thầy luôn tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của chúng em, luôn dành những lời động viên kịp thời để cho chúng em cố gắng, không mắng nhiếc nặng nề khi chúng em phạm lỗi hay đạt điểm thấp. Vì vậy, chúng em tự nhắc nhở mình phải cố gắng học tập để không phụ công thầy”.
Không chỉ được biết đến là một giáo viên có chuyên môn tốt, được nhiều trò yêu mến, mà sự thân thiện của thầy Tiến trở thành “địa chỉ” thân thuộc cho học sinh mỗi khi gặp khó khăn tìm đến.
Theo thầy Tiến, học sinh học THPT đang tuổi khám phá thế giới, thích thể hiện cái tôi cá nhân sẽ có những khó khăn các em không dễ chia sẻ với người thân mà thường chọn thầy cô để tâm sự. Do vậy, tôi luôn cố gắng lắng nghe để giúp đỡ, đưa ra những lời khuyên phù hợp cho các em.
Thực hiện tốt công tác Đoàn
Năm học 2021-2022 khi dịch Covid bùng phát mạnh ở các tỉnh phía nam, lo lắng về quá trình học trực tuyến trên các nền tảng số sẽ làm học trò chán nản, thầy Tiến đã lên ý tưởng tổ chức cuộc thi Ngày hội viên phấn vàng (The golden chalk festival 2021).
Theo đó, thầy Tiến tham mưu với nhà trường tổ chức cho các lớp viết báo tường điện tử bằng tiếng Anh lấy chủ đề thầy cô nhân ngày 20/11.
“Cuộc thi đã thu hút rất nhiều học sinh của nhà trường tham gia nhiệt tình. Ngoài ra, còn có sự tham gia của thầy Lê Nguyễn Như Anh - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP. HCM và hơn 25 giáo viên tiếng Anh của các trường THPT trong toàn tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi đã có khách mời đặc biệt là thầy Sean Hughes - giảng viên Đại học New York, Hoa Kỳ”, thầy Tiến kể lại.
Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Tiến còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đánh giá cao về những cống hiến của thầy giáo trẻ Phan Mạnh Tiến, thầy Nguyễn Tiến Chương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Cao Nguyên nói: “Thầy Phan Mạnh Tiến vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa đẩy mạnh công tác Đoàn, đạt những thành tích xuất sắc trong cả phong trào học tập lẫn tình nguyện.
Bên cạnh đó, thầy cũng là tấm gương đạo đức, tận tụy với nghề, vượt khó. Luôn biết quan tâm đến đồng nghiệp, học sinh. Trong quá trình giảng dạy, thầy đã đưa ra nhiều sáng kiến, mạnh dạn đổi mới phương pháp để nâng cao tiết học, tạo hứng thú học tập cho học sinh”.
Tháng 11 vừa qua, thầy Phạm Mạnh Tiến là 1 trong 99 nhà giáo trẻ nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao