Tài chính GenZ: Chuỗi sự kiện về tài chính cá nhân cho học sinh THPT
Chuỗi chương trình "Tài chính GenZ mùa 3 - 2024", được phối hợp tổ chức bởi Công ty KeyPerson và Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Đại Nam đã chính thức hoàn tất sau nhiều nỗ lực và tâm huyết của Ban tổ chức cùng các cấp lãnh đạo.
"Tài chính GenZ" là một chương trình đào tạo kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và năng lực nhận biết, phòng chống tín dụng đen cho các bạn học sinh THPT. Bước đầu giúp các bạn hình thành kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, nhận biết những rủi ro, hiểm hoạ của tín dụng đen, những "bẫy tài chính" sau khi tốt nghiệp và bắt đầu cuộc sống tự lập. Chương trình có sự tài trợ và đồng hành xuyên suốt ba mùa từ trường Đại học Đại Nam, Công ty KeyPerson cùng nhiều đối tác, chuyên gia đến từ các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông...
Đây là một chương trình vô cùng thực tế nhằm hưởng ứng "Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030" của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 01 năm 2020, bởi vậy nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các thầy cô, Ban lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn miền Bắc.
Mùa 3 của chương trình đã đạt được những con số ấn tượng: Thực hiện đào tạo tại gần 40 trường THPT khu vực miền Bắc với các hình thức đa dạng kết hợp các bài giảng trực tiếp và trực tuyến, tiếp cận và đào tạo trực tiếp cho hơn 25.000 học sinh THPT.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Đại Nam chia sẻ: "Tài chính GenZ đã trở thành một hoạt động thường niên của trường Đại học Đại Nam. Đây là một chương trình rất cần thiết để giúp các em học sinh THPT nhận thức đúng và có định hướng sớm về việc quản lý tài chính cá nhân, cũng như nhận biết, đề phòng các hình thức "tín dụng đen". Do vậy trong 2 ngành Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ tài chính của Khoa đều đưa học phần Tài chính cá nhân vào giảng dạy cho Sinh viên".
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung chương trình cũng như các hoạt động bên lề nhằm tạo hứng thú, động lực cho các bạn học sinh và Quý thầy/cô, Ban tổ chức chương trình vô cùng tự hào vì đã giúp các bạn học sinh và các thầy cô tại các điểm trường có những trải nghiệm hào hứng và được "mở mang" với những kiến thức rất mới, mang tính cập nhật về lĩnh vực Tài chính và năng lực Quản lý Tài chính cá nhân.
Trong mùa 3 năm 2024 này, chương trình cũng đã nhận về những số liệu thú vị qua việc khảo sát trước chương trình:
Có tới 47.6% các bạn được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng: Các bạn học sinh đã và đang được tiếp xúc sớm hơn với các khoản tiền nhỏ, vì vậy việc trang bị kiến thức quản lý số tiền mình có từ sớm là rất cần thiết.
83.6% các bạn học sinh đã biết tiết kiệm những khoản tiền riêng: Phần lớn các bạn đã có ý thức tích góp khoản tiền của mình vào một mục đích cụ thể như: Mua một món đồ, tập tành đầu tư nhỏ, dự trữ phòng thân,...Tuy nhiên hầu hết các bạn đều chưa được biết đến những phương pháp quản lý tài chính như 50/30/20 hay 6 chiếc lọ...
69.4% các bạn đã bắt đầu kiếm tiền ngay từ cấp 3: Áp lực đồng trang lứa và xu hướng khởi nghiệp thời nay khiến các bạn có nhu cầu học cách kiếm tiền từ sớm, điều này cho thấy các bạn càng cần được trang bị kỹ năng về cách tự quản lý chi tiêu cá nhân và ý thức giúp bản thân phòng tránh các chiêu trò lừa đảo càng sớm càng tốt.
44.9% các bạn chưa nhận biết được dấu hiệu của các hoạt động tín dụng đen: Các bạn học sinh dù đa số chưa quá dư dả về mặt tài chính, tuy nhiên các bạn vẫn là "con mồi" của các đối tượng lừa đảo bởi sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết. Ngoài ra, nếu nhận biết được "tín dụng đen" cũng giúp các bạn có thể cảnh báo cho người thân, gia đình đề phòng.
Đồng hành cùng Ban tổ chức "Tài chính GenZ" không thể không kể đến các diễn giả tuyệt vời, những người đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân quý báu của bản thân đến với các bạn học sinh một cách trực quan và gần gũi, dễ hiểu.
Diễn giả Nguyễn Thị Mai Anh, cựu nhân viên ngân hàng VPBANK, hiện đang làm việc tại Trung Tâm Phát Triển FinTech và Đổi mới Sáng tạo DNU cho biết:
"Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là một điều cần thiết và thiết yếu để quản lý chi tiêu của mình. Khi các bạn đã không còn phụ thuộc vào tiền thì bạn sẽ có thể đầu tư vào những thứ tốt nhất, phù hợp nhất cho bản thân, có điều kiện thỏa mãn những sở thích cũng như nhu cầu bản thân ở một mức sống cao hơn."
Bạn Trịnh Anh Đức – học sinh lớp 12A6 trường THPT Mỹ Đức A cũng có chia sẻ: "Gần đây mình cũng có tìm hiểu qua về tài chính nhưng chưa bao giờ tham gia buổi chia sẻ nào về tài chính cả. Trước khi nghe buổi chia sẻ này thì mình chưa biết cách tiêu tiền một cách hợp lí. Sau khi nghe buổi chia sẻ ngày hôm nay, mình thấy có rất nhiều kiến thức bổ ích. Nó giúp cho mình biết kiểm soát đồng tiền hơn, biết cách chi tiêu hợp lí. Khi nghe xong buổi chia sẻ này, mình cảm thấy khá hứng thú về ngành tài chính."
Ông Vũ Việt Dũng, Chủ tịch KeyPerson (đơn vị đồng hành suốt ba mùa Tài chính GenZ) đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều các bạn học sinh cũng như các thầy cô giáo giảng dạy tại các trường THPT. Ông cho biết rất may mắn vì được nghe nhiều câu chuyện thú vị xung quanh cách mà giới trẻ và các thầy cô, hai thế hệ có nhiều khác biệt sử dụng và quản lý tài chính của mình:
"Tôi rất nhớ chia sẻ của thầy hiệu trưởng một trường THPT tại tỉnh Bắc Giang rằng: đến nay thầy 55 tuổi, thầy mới được nghe và biết về các phương pháp quản lý tài chính hợp lý và hữu ích như thế. Giá như thầy biết đến sớm hơn thì thầy đã có thể quản lý tài chính của mình hiệu quả hơn. Từ những chia sẻ như vậy đã tạo động lực cho Ban tổ chức chúng tôi triển khai chương trình liên tục và không ngừng cải tiến chất lượng. Với mùa Tài chính GenZ mùa 4 sắp tới chúng tôi sẽ triển khai sớm hơn, quy mô hơn và sẽ có nhiều chuyên gia, đối tác chất lượng tiếp tục đồng hành để lan tỏa chương trình có ý nghĩa này."
Ánh Dương