Thêm nhiều đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm, cao nhất 10 điểm/môn mới đỗ
Mức điểm chuẩn của các trường đại học: Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Kinh tế quốc dân, Quốc tế đều ở ngưỡng cao 25 - 30 điểm.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố điểm chuẩn diện ưu tiên xét tuyển thẳng (PT2A) và ưu tiên xét tuyển (PT2B). Tổng số thí sinh đăng ký hai phương thức này là 2.686, với gần 6.200 nguyện vọng.
Với phương thức PT2B, dành cho học sinh trường chuyên, năng khiếu hoặc trong top 149 trường THPT được Đại học Quốc gia TP.HCM ưu tiên, điểm xét tuyển là trung bình cộng của ba môn trong tổ hợp xét tuyển từ lớp 10 đến lớp 12.
Ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) dẫn đầu, lấy điểm tuyệt đối 10/10. Tiếp đến là ngành Trí tuệ nhân tạo có mức trúng tuyển 9,9 điểm. Các ngành còn lại lấy từ 8 trở lên.
Phương thức PT2A dành cho học sinh có điểm trung bình ba năm THPT cao nhất trường và được hiệu trưởng giới thiệu. Điểm xét tuyển là trung bình cộng học lực 3 năm của thí sinh.
Ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) lấy điểm cao nhất với 9,8/10. Tiếp đến là Khoa học dữ liệu 9,7. Các ngành còn lại lấy điểm chuẩn từ 8,5 trở lên.
>> 70 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm 2024
Năm nay, trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển 4.010 sinh viên, tăng 10% và giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, phần lớn chỉ tiêu được dành để xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức (45-55%) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 (15-40%).
Ngoài ra, trường còn xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT (5%); Ưu tiên tuyển thẳng và xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM (11-25%); Xét thí sinh người Việt học chương trình phổ thông ở nước ngoài (2%); Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ (8-20%).
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm, gồm: Ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển bằng học bạ (điểm trung bình 5 kỳ học theo tổ hợp, trừ kỳ 2 của lớp 12); Xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực; Xét điểm thi SAT (bài thi chuẩn hóa quốc tế). Ở phương thức xét học bạ, trường chia thí sinh thành ba nhóm:
+ Nhóm có giải học sinh giỏi quốc gia, giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh phải có điểm học bạ ba môn đạt 21-27,75 điểm. Trong đó, cao nhất là ngành Sư phạm tiếng Anh, tiếp theo là Công nghệ thông tin (27,5 điểm).
+ Với nhóm học sinh trường chuyên, hai ngành nói trên vẫn lấy điểm chuẩn cao nhất, lần lượt 28,5 và 27,5.
+ Với các học sinh còn lại, điểm chuẩn học bạ ngành Sư phạm tiếng Anh và Công nghệ thông tin lên đến 29. Thấp nhất là ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt (chương trình tiếng Anh) lấy 20,25 điểm.
Nếu đăng ký xét tuyển bằng bài thi SAT, thí sinh phải đạt điểm từ 800/1.600, kết hợp điểm học bạ khoảng 21,5-27. Dẫn đầu là ngành Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật và điều kiện tự động hóa.
Ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức (quy về thang điểm 30), điểm chuẩn thấp nhất là 21, cao nhất là 26.
Với công thức tính điểm quy đổi = điểm đánh giá năng lực x (30/1.200), thí sinh phải đạt điểm từ 1.040/1.200 trở lên mới trúng tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính. Tương tự, với ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch, mức trúng tuyển tối thiểu là 1.020.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn với hai nhóm thí sinh. Nhóm 1 là những thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT (bài thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển đại học ở Mỹ). Điểm xét tuyển là điểm chứng chỉ được quy đổi về thang 30, cùng điểm ưu tiên.
Ngành Kinh doanh quốc tế có đầu vào cao nhất với 28,88 điểm. Thương mại điện tử đứng thứ hai với 28,73. Những ngành lấy trên 28 điểm còn có Truyền thông Marketing (hệ POHE), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tích, Phân tích kinh doanh.
Mức thấp nhất của nhóm này là 24,38, áp dụng với một số ngành như Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Quản trị chất lượng và Đổi mới, Quản lý công và Chính sách.
Nhóm 2 là thí sinh dùng điểm thi đánh giá năng lực (HSA và APT) của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM; điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển độc lập; hoặc kết hợp điểm chứng chỉ tiếng Anh. Điểm xét tuyển cũng được quy về thang 30.
Điểm chuẩn cao nhất của phương thức này là 24,7, ngành Kinh doanh quốc tế vẫn dẫn đầu. Vị trí thứ hai cũng là Thương mại điện tử với 24,4 điểm.
Những ngành lấy điểm chuẩn 19,33 - thấp nhất của nhóm này - là Thẩm định giá (hệ POHE), Quản trị chất lượng và Đổi mới, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Kinh tế nông nghiệp.
Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm. Theo đó, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trường xét kết quả học bạ 3 năm THPT.
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp cộng điểm ưu tiên (nếu có). Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, điểm môn tiếng Anh nhân hệ số hai. Điểm chuẩn của các ngành khoảng 21-25, riêng ngành Ngôn ngữ Anh lấy 30/40.
Năm nay, trường Đại học Quốc tế tuyển 2.600 sinh viên. Ngoài các phương thức trên, trường còn xét tuyển bằng điểm đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ THPT nước ngoài.
Học phí các chương trình do trường cấp bằng khoảng 50 triệu đồng một năm. Với chương trình liên kết 2+2, học phí tại Việt Nam khoảng 63-67 triệu đồng mỗi năm, hai năm sau, sinh viên đóng phí theo quy định của trường đối tác.