Đại học Quốc gia TP.HCM tiết lộ thay đổi đề thi đánh giá năng lực 2025
Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM, trong bối cảnh áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấu trúc bài thi, đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 cần được điều chỉnh phù hợp.
Những thông tin về việc thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM (V-ACT) đang được nhiều thí sinh quan tâm.
Vì sao phải điều chỉnh đề thi đánh giá năng lực?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết những năm qua, kỳ thi V-ACT đã đánh giá được năng lực cốt lõi để học đại học của thí sinh.
Thông qua kỳ thi này, Đại học Quốc gia TP.HCM gửi thông điệp đến thí sinh THPT rằng các bạn phải học tập như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của học đại học. Vì vậy, bài thi V-ACT thể hiện giá trị và độ tin cậy cao.
"Kỳ thi V-ACT có tính ổn định rất cao, giúp các trường sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh tốt, đặc biệt nhóm thí sinh tốt với chất lượng cao, giúp kỳ thi có sự phát triển mạnh mẽ. Nhưng trong bối cảnh học sinh đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đòi hỏi cấu trúc bài thi V-ACT 2025 cần được điều chỉnh phù hợp", ông Chính cho biết.
Từ năm 2024, tất cả bậc học phổ thông đều thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với định hướng tính linh động cao hơn và cho học sinh trong việc lựa chọn các môn học nhiều hơn.
Thí sinh có khả năng lựa chọn 1 trong 26 tổ hợp môn học hoàn toàn tự do, không có bất kỳ sự ràng buộc nào. Theo kết quả khảo sát, học sinh TP.HCM cũng như học sinh của cả nước có cách lựa chọn tổ hợp môn học rất đa dạng.
"Như vậy việc các em học cùng lúc các môn toán, lý, hóa hoặc lý, hóa, sinh vô cùng ít mà trải dài qua tất cả các môn. Điều này dẫn đến vấn đề là bài thi đánh giá năng lực cần phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu: thứ nhất, đánh giá chính xác năng lực của thí sinh; thứ hai, bảo đảm sự công bằng tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh", ông Chính nhấn mạnh.
Đề thi điều chỉnh phần giải quyết vấn đề thành phần tư duy khoa học
Ông Chính cũng cho hay từ năm 2022, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo đã phối hợp các chuyên gia chuẩn bị rất kỹ và cuối cùng đưa ra một phương án điều chỉnh kỳ thi một cách phù hợp nhất.
Trước đây kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực toán học, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề. Những bài giải quyết vấn đề sẽ hỏi về các lĩnh vực như hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử và địa lý.
Giờ nếu đề thi áp dụng cho năm 2025 sẽ gây khó khăn cho rất nhiều thí sinh, bởi có nhiều em không học đủ cả 5 môn học mà lựa chọn rất rộng.
Chính vì vậy các chuyên gia đã tư vấn và đưa ra đề xuất điều chỉnh phần giải quyết vấn đề thành phần tư duy khoa học. Trong đó sẽ đánh giá vấn đề logic, phân tích số liệu và suy luận khoa học.
Những vấn đề đưa ra ở đây không chuyên sâu về lý, hóa, sinh, sử, địa mà sẽ là những bài toán mang tính thực tế, những bài về khoa học, công nghệ, xã hội, kinh tế, pháp luật.
"Như vậy tất cả thí sinh không nhất thiết phải học chuyên sâu về lý, hóa, sinh, sử địa… vẫn có khả năng dùng năng lực suy luận, năng lực tư duy khoa học của mình để làm bài. Đây cũng là cách tiếp cận tương đồng với các bài thi chuẩn hóa quốc tế như SAT (Hoa Kỳ), Psychometric Entrance Test (Israel), General Aptitude Test (Thái Lan)", ông Chính nói.
Bài thi đánh giá năng lực một cách cơ bản, không chuyên sâu
Trước đây bài thi V-ACT hơi gần với bài thi ACT (Hoa Kỳ), vừa có phần chung, vừa có phần chuyên sâu về các môn học. Nhưng từ năm 2025 bài thi điều chỉnh lại mang tính của SAT nhiều hơn, đánh giá những năng lực cơ bản nhất, đặc biệt là năng lực tư duy khoa học cần thiết cho tất cả thí sinh.
Đại học Quốc gia TP.HCM giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Câu hỏi thuộc nhóm tư duy khoa học là sự khác biệt. Phần này gồm các vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ, đời sống, chứ không thuộc về kiến thức riêng biệt từng môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Các câu hỏi đều cung cấp đầy đủ thông tin dưới dạng số liệu, dữ kiện, công thức, định nghĩa, quá trình và kết quả thí nghiệm. Thí sinh dựa vào tư duy logic, suy luận khoa học để tìm ra quy luật, lời giải.
"Đề thi cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi. Thí sinh dùng chính dữ kiện được cung cấp trong đề thi để suy luận ra quy luật và giải quyết vấn đề. Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận", ông Chính cho biết thêm.
Xôn xao chuyện thi đánh giá năng lực năm 2025 chỉ dành cho học sinh lớp 12
Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng trước thông tin kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2025 chỉ dành cho học sinh lớp 12. Thực hư việc này ra sao?