Quốc gia hiếm hoi mà Avatar 2 không thể "công phá" phòng vé: Bom tấn Hollywood cũng xếp sau thể loại này
Trước đây, thế hệ ngôi sao Hollywood từng rất được đón chào tại thị trường này thì nay, mọi thứ đã thay đổi. Đến siêu phẩm Avatar 2 cũng “chào thua” trong đợt công chiếu.
Vào thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, có một hiện tượng kỳ lạ là những ngôi sao Hollywood xuất hiện trong các quảng cáo của Nhật Bản: Arnold Schwarzenegger bán mì ăn liền, Harrison Ford mời bia Kirin. Cho đến ngày nay, Tommy Lee Jones vẫn xuất hiện trong một loạt quảng cáo cà phê lon lâu đời.
Tuy nhiên, bạn sẽ không thấy nhiều thế hệ ngôi sao Hollywood hiện tại — không có Dwayne Johnson quảng cáo Toyotas, không có Ryan Reynolds cầm những chai nước tăng lực. Điều đó không phải là do các công ty Nhật Bản không có ngân sách lớn cho việc quảng cáo, vì siêu sao Johnny Depp gần đây vẫn nhận được đề nghị quảng cáo bia Asahi. Mà thực tế, nguyên nhân là do ở Nhật Bản, Hollywood không còn vẹn nguyên sức hút như trước đây.
Avatar 2 cũng “chào thua” tại xứ sở hoa anh đào
Theo Washington Post đưa tin, tỷ lệ doanh thu tại phòng vé lớn thứ ba thế giới của Hoa Kỳ đã giảm trong nhiều năm liên tiếp. Hiện tượng này xuất hiện từ trước đại dịch và càng trở nên trầm trọng hơn sau đại dịch. 4 trong số 5 phim có doanh thu cao nhất năm 2022 là phim ăn khách nội địa, với đại diện duy nhất của Hollywood là Top Gun: Maverick.
Đại diện duy nhất của Hollywood lọt top 5 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2022 là Top Gun: Maverick.
Nhật Bản vốn là một thị trường điện ảnh tự do, không có hạn ngạch nào áp đặt đối với phim Mỹ, cũng như không có cơ quan kiểm duyệt nào can thiệp hay ngăn chặn việc phát hành. Nó cũng không phải là một hiện tượng đại dịch, vì xứ sở hoa anh đào là một trong số ít quốc gia hầu như vẫn mở rạp chiếu phim, trong suốt thời gian bùng phát dịch bệnh toàn cầu.
Thay vào đó, khán giả Nhật Bản đang có xu hướng ưa chuộng phim nội địa, đặc biệt là những bộ phim hoạt hình kinh phí lớn. Văn hóa anime đang “nở rộ” với tốc độ chóng mặt khi hầu hết những bộ phim ghi nhận doanh thu hàng đầu đều là hoạt hình, chẳng hạn như One Piece Film: Red và Jujutsu Kaisen 0: The Movie.
Ngay cả James Cameron cùng với siêu phẩm Avatar: The Way of Water của ông cũng chỉ dừng ở vị trí thứ ba trong đợt công chiếu. Đây được cho là một hiện tượng đáng thất vọng ở Nhật Bản, khi mà Avatar phần đầu tiên đã đạt thành công lớn, được ghi nhận là bộ phim có doanh thu cao thứ 12 mọi thời đại của quốc gia này.
Avatar chỉ ghi nhận doanh thu xếp thứ 3, đứng sau 2 bộ phim anime điện ảnh của Nhật Bản.
Một số ước tính cho biết đây là thị trường duy nhất mà Avatar không thể ra mắt ở vị trí số một. Bộ phim hoạt hình “Suzume” đã đánh bại cả Avatar với doanh thu gần 10 triệu Yên, tương đương 75 triệu USD.
Có thể thấy, thị hiếu tại Nhật Bản đã thay đổi khá nhiều. Hiện tượng này được minh chứng bằng sự thành công của bộ phim Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận (Tên tiếng Anh: Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba — the Movie: Mugen Train). Mặc dù ra rạp vào năm 2020, giữa đại dịch, nhưng anime điện ảnh này vẫn trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay của Nhật Bản, phá vỡ kỷ lục được giữ từ năm 2001 bởi bộ phim Vùng đất linh hồn (Tên tiếng Anh: Spirited Away) từng giải Oscar của Studio Ghibli.
Sức hút của phim hoạt hình Nhật Bản
Không có gì ngạc nhiên khi người ta ví von anime của nước Nhật là sinh thể vô hình có linh hồn và có ý chí sống vô cùng mãnh liệt. Bản thân anime cũng giống như người Nhật, luôn bền bỉ và kiên trì. Trong thời điểm mà công nghệ hoạt hình của Hollywood “làm mưa làm gió”, anime Nhật vẫn không ngừng xây dựng và phát huy những nét đặc trưng riêng biệt.
Đến thời điểm hiện tại, hoạt hình Nhật Bản ngày càng được đánh giá cao nhờ sự chỉn chu cả phần nghe, lẫn phần nhìn, từ đồ họa đẹp mắt, khắc họa chân thực từng chuyển động của nhân vật cho đến cốt truyện thấm thía và nhạc phim đong đầy cảm xúc.
Phim hoạt hình Nhật Bản chứng minh sức hút vượt trội.
Các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản đã rất tinh tế khi sáng tạo những tác phẩm có tính giáo dục cao nhưng vẫn lồng ghép khéo léo các yếu tố giải trí và hài hước. Nhờ đó, khán giả sau khi xem phim đều cảm thấy lạc quan, vui vẻ hơn, có niềm tin vào cuộc sống.
Ở nhiều nước phương Tây, Mỹ và ngay cả Việt Nam, khi nhắc đến “phim hoạt hình” chúng ta đều nghĩ ngay đó là một sản phẩm giải trí dành cho trẻ em. Thế nhưng đối tượng khách hàng mà anime nhắm đến lại có phạm vi vô cùng rộng lớn. Do đó, nội dung mà anime thể hiện cũng trở nên phức tạp, sâu xa hơn.
Bước chân ra rạp, người ta đọng lại nhiều cảm xúc, có những chiêm nghiệm về con người, về thế giới xung quanh, chứ không chỉ là những ấn tượng sáo rỗng thường thấy ở dòng phim “mì ăn liền”.
Một loạt tên tuổi đạo diễn tài năng đã làm nên thành công của phim hoạt hình Nhật Bản có thể kể tới như Shinkai Makoto, Mamoru Hosoda hay Hayao Miyazaki. Nhờ bàn tay “phù thủy” qua từng thước phim, họ đã làm cho phim hoạt hình xứ sở hoa anh đào nổi tiếng toàn thế giới.
Những sự khác biệt ấy thay đổi khái niệm phim hoạt hình vốn có. Hay đúng hơn, mọi người dùng chính từ “anime” để phân biệt với phim hoạt hình thông thường, để khi nhắc đến anime mọi người đều nghĩ đến một khái niệm khác hẳn.
*Nguồn: Washington Post