A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nữ mắc quai bị nguy cơ vô sinh như nam

Việc mắc quai bị sẽ có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của cả nam lẫn nữ. Tại sao nữ giới cũng có nguy cơ vô sinh?

BS Đinh Hữu Việt thăm khám cho một bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

BS Đinh Hữu Việt thăm khám cho một bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Nhiều người nghĩ rằng chỉ nam giới mắc quai bị mới vô sinh, còn nữ giới thì không bị ảnh hưởng. Hay nữ nếu đã có con mắc quai bị sẽ không gây vô sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay việc mắc quai bị sẽ có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của cả nam lẫn nữ.

Tại sao nữ giới cũng có nguy cơ vô sinh?

Có con rồi vẫn vô sinh

Anh L.T.Đ. (37 tuổi) đã có con đầu lòng năm 2011, sau đó anh bất ngờ mắc vô sinh thứ phát. Anh Đ. cho hay sau khi sinh bé đầu 3 tháng, anh mắc quai bị.

"Do chủ quan nghĩ rằng việc mắc quai bị ở tuổi trưởng thành sẽ không gây ảnh hưởng gì nên tôi không đi thăm khám. Sau một thời gian, một bên tinh hoàn có triệu chứng teo, nhưng cũng chưa bận tâm nhiều vì không ảnh hưởng đến chuyện "chăn gối".

Thế nhưng, suốt tám năm hai vợ chồng "thả" nhưng không có tin vui đón thêm bé thứ hai, năm 2019 tôi mới đến bệnh viện thăm khám", anh Đ. chia sẻ.

  • Cẩn trọng với bệnh quai bị để phòng tránh vô sinh
     

Tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, anh Đ. được chẩn đoán bị teo tinh hoàn, biến chứng vô sinh.

"Xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy anh Đ. không có tinh trùng trong tinh dịch, hay còn gọi là vô tinh. Đây có thể là biến chứng do mắc quai bị gây nên", bác sĩ Đinh Hữu Việt, chuyên khoa ngoại và nam học bệnh viện, thông tin.

Sau đó, anh Đ. được chỉ định mổ Microtese để tìm tinh trùng, sau ca vi phẫu một bên tinh hoàn bị teo, các bác sĩ thu được một lượng tinh trùng nhất định, kết hợp cùng với trứng của vợ để thực hiện thụ tinh ống nghiệm.

Tháng 1-2022, may mắn hai vợ chồng đã thành công, sinh em bé thứ hai khỏe mạnh.

Anh N.V.K. (30 tuổi) cũng mắc quai bị từ khi còn học cấp III. Năm 2019, anh K. kết hôn nhưng hơn một năm vẫn chưa có thai. Sau đó, hai vợ chồng anh K. đến cơ sở y tế thăm khám.

Sau khi khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy 100% các ống sinh tinh của anh K. bị xơ hóa, thoái hóa Hyalin, không có tế bào dòng tinh. Bác sĩ tư vấn chỉ định mổ Microtese để tìm tinh trùng, thực hiện IVF.

Theo bác sĩ Việt, đây là ca bệnh vô sinh nguyên phát do mắc quai bị gây biến chứng. Việc mắc quai bị gây biến chứng vô sinh ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới nhưng không phải nữ giới mắc là không bị.

Tại sao gây vô sinh?

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra, dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân.

Quai bị thường gặp và gia tăng vào mùa đông - xuân. Bệnh quai bị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh... Tuy nhiên, không phải ai bị viêm tinh hoàn cũng dẫn đến vô sinh.

Theo bác sĩ Việt, mắc quai bị có thể gây các biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn (thường xảy ra một bên) ở 20-30% nam giới trưởng thành; viêm buồng trứng - gặp ở khoảng 5% nữ trưởng thành.

Bệnh viêm tinh hoàn do quai bị nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dần chuyển sang giai đoạn mãn tính, dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng.

Trong vài ngày đầu tiên, vi rút tấn công các tuyến tinh hoàn, dẫn đến viêm nhu mô, tách các ống dẫn tinh và thâm nhiễm tế bào lympho kẽ quanh mạch máu. Quá trình teo tinh hoàn có thể diễn ra sau vài tháng xuất hiện viêm cấp tính.

Teo tinh hoàn có thể gây các tình trạng không có tinh trùng dẫn đến vô sinh hiếm muộn.

Tiêm vắc xin để phòng bệnh

Theo các bác sĩ, hiện nay quai bị không có thuốc đặc trị, vì vậy tiêm vắc xin phòng chống quai bị chính là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Đối với trẻ em nên tiêm phòng vắc xin ở tháng tuổi thứ 14 - 15 mũi đầu tiên, sau đó tiêm nhắc lại khi 4 - 5 tuổi là tiêm đủ 2 mũi. Nếu người lớn mà chưa nhớ được ngày bé đã tiêm phòng hay chưa thì tiêm thêm 1 mũi vắc xin dự phòng để tránh các nguy cơ bị quai bị.

Trường hợp nếu đã bị quai bị rồi thì tránh lây lan cho cộng đồng bằng cách ở phòng riêng trong thời điểm toàn phát và dự phòng các biến chứng của quai bị là dùng thuốc giảm đau hạ sốt, nếu có biểu hiện bất thường nặng như sốt kéo dài, tinh hoàn sưng đau lên thì cần đến bệnh viện để bác sĩ điều trị sớm cho mình.

Nữ giới mắc quai bị biến chứng âm thầm

Bác sĩ Việt thông tin thêm đối với nữ giới, tỉ lệ viêm buồng trứng ở nữ giới chiếm khoảng 7%, thấp hơn rất nhiều so với biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, tuy nhiên biến chứng này thường âm thầm và khó phát hiện hơn nam giới.

Viêm buồng trứng do quai bị ảnh hưởng phần lớn đến các trường hợp sau tuổi dậy thì.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm buồng trứng do quai bị có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mãn tính, dính buồng trứng, u nang ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, ống dẫn trứng, tắc vòi trứng, hình thành apxe trên buồng trứng, chất lượng trứng suy giảm... gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo