Nghiên cứu khoa học: Trẻ có chỉ số IQ cao nhưng điểm số vẫn lẹt đẹt bởi nguyên nhân này
Trẻ em có chỉ số IQ cao nhưng điểm số thấp là do bị rối loạn học tập. Đây là vấn đề mà rất nhiều trẻ gặp phải.
Chị Mai Mai (Trung Quốc) có con trai 9 tuổi, đang học lớp 4. Trước đây, chị đã đưa con đi kiểm tra chỉ số IQ và nhận được kết quả khá cao. Điều này khiến chị từng rất hạnh phúc, khấp khởi hy vọng. Chị Mai Mai cứ ngỡ con mình có chỉ số IQ cao thì sẽ học hành phát triển, đạt thành tích tốt. Nhưng thực tế điểm số ở trường của con không được tốt. Cô giáo nhận xét dù đã lên lớp 4 nhưng con vẫn viết sai chính tả nhiều, kỹ năng viết văn kém và thường làm sai phép tính.
Trước vấn đề trên, Giáo sư Diệp Hải Sâm - Giám đốc khoa Tâm lý Trẻ em (Trung Quốc) đã tiến hành nghiên cứu khoa học và chỉ ra rằng: Trẻ em có chỉ số IQ cao nhưng điểm số thấp là do bị rối loạn học tập. Đây là vấn đề mà rất nhiều trẻ gặp phải.
Rối loạn học tập là gì?
Rối loạn học tập là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong học tập như: Đọc, viết, đánh vần, diễn đạt, tính toán,… trong khi có thể chỉ số IQ của trẻ rất cao. Tỷ lệ trẻ bị rối loạn trong học tập chiếm từ 5 - 15%. Và bé trai thường chiếm tỷ lệ nhiều hơn bé gái.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ rơi vào chứng rối loạn học tập như: Thiếu trí tuệ cảm xúc, buồn bã chuyện tình cảm, sống trong môi trường tồn tại nhiều bất cập,…
Rối loạn học tập khiến trẻ chật vật trong việc tiếp thu kiến thức. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến trẻ rối loạn học tập là gì?
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ rối loạn học tập. Vì vậy, khi thấy con điểm số chưa cao hay không hứng thú với học tập, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có phương pháp giải quyết hợp lý.
- Yếu tố di truyền: Ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến sự phát triển trí tuệ của trẻ đã được khoa học chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Trẻ bị rối loạn học tập do gen di truyền chiếm từ 35 - 45%. Mức độ nghiêm trọng biểu hiện ở mỗi người là khác nhau.
- Bất thường về chức năng hệ thần kinh: Các nghiên cứu phát hiện ra, một số trẻ rối loạn học tập liên quan đến tổn thương não, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương hoặc cấu trúc gặp hạn chế. Trong quá trình mang thai và sinh nở, người mẹ gặp một số vấn đề như: Sinh non, ngạt khí, chấn thương sọ não, bệnh truyền nhiễm,… có thể khiến trẻ bị rối loạn học tập sau này.
Chẳng hạn như người có khả năng đọc bình thường, 3 vùng của não là thùy chẩm - thái dương - thùy đỉnh hoạt động tích cực. Trong khi đó, những người mắc chứng khó đọc thường hoạt động kém hơn.
- Khiếm khuyết cơ chế nhận thức: Khi trẻ khiếm khuyết cơ chế nhận thức, thông tin không thể được tích hợp và xử lý tốt. Do đó khiến trẻ rơi vào tình trạng rối loạn trong học tập. Những đứa trẻ này thường có trí nhớ không tốt, tốc độ xử lý thông tin chậm, khả năng tập trung kém, kỹ năng tổ chức cũng bị ảnh hưởng.
- Yếu tố môi trường: Môi trường gia đình không tốt cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển khả năng học tập. Không khí gia đình, phương pháp nuôi dạy con, thái độ của cha mẹ hằng ngày cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của trẻ. Ngoài ra, môi trường tiêu cực trong trường học và xã hội có thể làm tăng tỷ lệ trẻ bị rối loạn học tập.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn trong học tập. (Ảnh minh họa)
Biểu hiện của việc trẻ bị rối loạn học tập
- Tốc độ đọc chậm, đôi khi bỏ sót chữ và dòng.
- Đọc xong không hiểu rõ nội dung, phát âm thường sai.
- Dễ nhầm lẫn giữa các từ có ý nghĩa gần giống nhau.
- Trẻ chóng quên kiến thức sau khi học xong.
- Trí nhớ số học kém, tốc độ tính toán chậm, thích đếm bằng ngón tay và miệng.
- Gặp khó khăn trong việc tư duy giải toán, không hiểu được các khái niệm và mối quan hệ giữa các công thức toán học.
Trẻ bị rối loạn học tập sẽ ảnh hưởng như thế nào?
- Kết quả học tập: Trẻ bị rối loạn học tập thường đạt điểm kém, mất hứng thú học tập, dẫn đến tâm trạng mệt mỏi, buồn chán. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, trẻ sẽ cảm thấy áp lực mỗi khi ngồi vào bàn học, viện lý do không hoàn thành bài tập. Từ đó, việc học của trẻ bị trì trệ, không tiến bộ nhiều.
- Hình thành trạng thái tiêu cực: Vì kết quả học tập không cao sẽ khiến trẻ tích tụ cảm xúc tiêu cực: Nản chí, thất vọng, căng thẳng,… Trẻ sẽ bị suy giảm động lực học tập, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh và hình thành hàng loạt tính cách, thói quen không tốt. Nghiêm trọng là việc trẻ học kém có thể khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái xung đột, mâu thuẫn. Điều này gây bất lợi cho quá trình phát triển của trẻ.