A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hiểm hoạ do pháo nổ tự chế dịp Tết

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng vào dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện do pháo nổ lại có xu hướng gia tăng, báo động về tình trạng vi phạm quy định và chủ quan trong việc sử dụng pháo.

 

Bệnh nhân bị tai nạn do sử dụng pháo tự chế được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BV

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ (từ ngày 25/1 - 2/2), các bệnh viện đã khám, cấp cứu cho 549.997 lượt người bệnh; có 194.985 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện 18.929 ca phẫu thuật (trong đó có 3.301 ca phẫu thuật cấp cứu do tai nạn).

Bộ Y tế cũng cho biết, so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 11%; số ca tử vong, nghi do tai nạn giao thông giảm 28,9%; số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn pháo nổ, pháo hoa giảm 24,2%.

Về tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, Bộ Y tế cho biết, 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ ghi nhận 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 48 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế; chưa ghi nhận ca tử vong.

Dù số ca giảm, thương tích do pháo vẫn rất nghiêm trọng, gây tổn thương nặng nề như mất ngón tay, mù mắt, thậm chí mất sức lao động. Điển hình là trường hợp bệnh nhân 16 tuổi ở Hà Nam nhập Bệnh viện Việt Đức do sử dụng pháo tự chế, dẫn đến chấn thương nặng và mất các ngón tay. Trong ba tháng cuối năm 2024, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, hơn 50% trong số đó là trẻ em.

Mặc dù đã khuyến cáo từ sớm nhưng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Bệnh viện Việt Đức vẫn tiếp nhận nhiều ca cấp cứu đa chấn thương do tai nạn pháo nổ, pháo tự chế…

Theo thống kê, trong 9 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 33 ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Trong đó có nhiều trường hợp chấn thương nghiêm trọng như mù mắt, giập nát chi thể...

Bác sĩ Phan Bá Hải, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo nổ đến cấp cứu. Các trường hợp vào cấp cứu đều nặng và rất nặng. Bệnh nhân sử dụng pháo phần lớn còn rất trẻ, chủ yếu mua thuốc pháo trên mạng và xem chế tạo pháo qua Youtube, sau đó học chế pháo theo hướng dẫn trên mạng để nghịch, chứ không phải buôn bán.

Các trường hợp bị tai nạn do pháo nổ chủ yếu bị thương hai tay, hỏng mặt, tổn thương nhãn cầu. Khi chế tạo pháo do kíp cháy nhanh quá, không đảm bảo kỹ thuật nên thường nổ trên tay gây nát hai tay. Hoặc khi đốt pháo nhìn trực tiếp, pháo phát nổ gây tổn thương hàm mặt, vỡ nhãn cầu gây tổn thương thị lực (chiếm tỷ lệ 10-20% ca nhập viện do pháo nổ). Có nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu khi mổ các bác sĩ phải bỏ nhãn cầu; nhiều em bị mù.

Những trường hợp tổn thương mắt nặng Bệnh viện Việt Đức phải mời bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương sang hội chẩn và phối hợp mổ cấp cứu.

Trước đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận nạn nhân bị thương do pháo nổ. Ngoài chấn thương mặt, tay, mắt, nhiều em vào nhập viện còn bị bỏng toàn thân. Theo các bác sĩ, so với các loại bỏng khác, bỏng do pháo được xem là rất nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ, mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng mỗi dịp Tết, số ca tai nạn do pháo nổ vẫn tiếp tục gia tăng, báo động về tình trạng vi phạm quy định và chủ quan trong việc sử dụng pháo. Đáng chú ý, tình trạng mua và sử dụng thuốc pháo về tự chế pháo để chơi diễn ra dễ dàng, đã gây ra hậu quả nặng nề, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em khi các em bị cụt tay, hỏng mắt, bỏng nặng...

Theo các chuyên gia y tế, tự chế pháo nổ rất dễ phát nổ vì người chế tạo không có cân lượng và không kiểm soát được các nguồn nhiệt xung quanh hoặc các sự va chạm, ma sát rất dễ phát nổ. Khi pháo nổ bốc khói, gây cháy, ảnh hưởng rất sâu vào đường hô hấp, gây ngất xỉu và rất dễ chết ngạt.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc chế tạo pháo đã bị nghiêm cấm, người dân, đặc biệt là phụ huynh tăng cường kiểm soát, giáo dục con em tránh để các em mua thuốc pháo về tự chế, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người chung quanh.

Theo Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo: nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

- Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy, nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm I, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự.

- Người từ 14 tuổi trở lên tự chế tạo pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

- Người chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo