A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Buôn bán hàng trên không gian mạng, quản lý bằng cách nào?

Vừa qua, cử tri tại một số địa phương đã quan tâm và kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cần tăng cường quản lý, kiểm tra và chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo, thông tin sai sự thật; quản lý chặt việc mua, bán hàng qua mạng, tránh việc lợi dụng buôn bán trên mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng.

Article thumbnail
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, bán hàng online đang là xu hướng. Trong số đó, nhiều người cố tình tạo chiêu trò, tung tin sai sự thật nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng đến kênh bán hàng. Ảnh minh họa: Internet

Siết chặt quản lý các nội dung quảng cáo, bán hàng

Theo Bộ TTTT, việc quản lý hoạt động buôn bán, bán hàng kém chất lượng trên không gian mạng thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. Thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán hàng hóa trái phép trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, như Facebook, YouTube, TikTok. Mục tiêu là ngăn chặn việc buôn bán hàng hóa kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật qua các nền tảng này.

Các đơn vị chức năng của Bộ TTTT đã tiến hành rà soát, xử lý các nội dung quảng cáo vi phạm, đặc biệt tập trung vào các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ. Khi xác định được đối tượng vi phạm, Bộ sẽ xử phạt hành chính. Trường hợp không xác định được danh tính, Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung hoặc chặn tên miền, website vi phạm.

Đối với các nội dung xấu độc và quảng cáo sai sự thật phát tán qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Bộ TTTT yêu cầu các nền tảng áp dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý vi phạm nhanh chóng, phải gỡ bỏ ngay các các nội dung vi phạm.

Theo thống kê, thời điểm từ năm 2017 trở về trước, các nền tảng mạng xã hội không thực hiện gỡ bỏ bất cứ nội dung nào theo yêu cầu của Bộ TTTT; từ cuối năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ đáp ứng chỉ đạt khoảng 50 - 60%; từ năm 2020 đến giữa năm 2022, tỷ lệ đáp ứng đạt khoảng 90%; từ cuối 2022 đến nay, tỷ lệ đáp ứng trung bình là 92%.

Năm 2023, Facebook đã gỡ 117 trang (page) quảng cáo, kinh doanh, mua bán hóa đơn trái phép; 43 hội nhóm kêu gọi, hướng dẫn cách bùng, trốn nợ, lừa đảo và rủ nhau đi cướp ngân hàng, gỡ 43 tài khoản và 2 group giả mạo; Google tiếp tục gỡ hàng ngàn quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và tài khoản quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
 
Riêng trong quý III/2024: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.751 nội dung, xóa 329 tài khoản và 1 nhóm vi phạm (tỷ lệ 93%). Google đã gỡ 2.024 video vi phạm trên YouTube và 19 kênh vi phạm chứa 49.469 video (tỷ lệ 92%). TikTok đã chặn gỡ 241 nội dung vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, tin giả. Trong đó, xóa 108 tài khoản đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 15.558 video, tỷ lệ 92%).

Bộ TTTT cũng ban hành văn bản, chỉ đạo Sở TTTT các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường rà quét, truy vết và xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, nhằm tăng cường quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng đã được Bộ TTTT trình Chính phủ, qua đó dần hoàn thiện khung pháp lý, cập nhật những quy định mới, kịp thời xử lý, răn đe đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Các bộ, ngành cùng phối hợp để quản lý không gian mạng

Theo Bộ TTTT, việc quản lý không gian mạng cần có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương theo hướng ai quản lý lĩnh vực gì ngoài đời thực thì cũng quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

Đối với các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để tung tin giả hoặc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện đang được Bộ TTTT bổ sung, hoàn thiện, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung các quy định mới về quảng cáo trên không gian mạng; quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, nhằm phân định rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TTTT đối với hoạt động này.

Đồng thời cũng phát huy và tăng cường được vai trò, trách nhiệm của các địa phương; quy định về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế hiện nay và phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, tham mưu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng xuyên biên giới để tạo căn cứ pháp lý cho biện pháp quản lý này.

Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an xác minh các hành vi vi phạm; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng... 

Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Y tế để rà quét, thẩm định, phát hiện và xử lý các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc đông y gia truyền và các sản phẩm y tế nói chung.

Trên cơ sở kết quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, sẽ sàng lọc và xây dựng danh sách Blacklist - White list để khuyến nghị các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực (white list), không quảng cáo trong những trang, kênh vi phạm (black list), qua đó từng bước điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nội dung sạch đã được cấp phép, kiểm soát.

Tuy nhiên, Bộ TTTT thừa nhận, việc quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok còn gặp nhiều khó khăn do các nền tảng này không có trụ sở tại Việt Nam; các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và phản ứng chậm trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm;

Các bộ, ngành chưa chủ động rà soát, phát hiện các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trên môi trường mạng trong lĩnh vực mà mình quản lý; các hành vi quảng cáo sai sự thật ngày càng tinh vi; việc phát hiện và xử lý các vi phạm yêu cầu nguồn nhân lực và công nghệ cao, trong khi đội ngũ quản lý còn mỏng và hệ thống kỹ thuật hiện nay chưa được đầu tư, nâng cấp phù hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo