A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Khó khăn về giao dịch vẫn đeo bám doanh nghiệp bất động sản

Sắp hết quý III, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến, đặc biệt nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm lời giải cho "bài toán" tạo thanh khoản, giao dịch.

Doanh nghiệp bất động sản phá sản dự báo tăng cao

Hiệp hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) vừa tiến hành cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực BĐS nhằm đánh giá những tác động về cơ chế, chính sách đối với thị trường BĐS trong thời gian qua.

Kết quả cho thấy, các DN thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% DN cho biết họ gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22%.

VARS cho rằng, số lượng DN BĐS giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về việc các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn về giao dịch vẫn đeo bám doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1.

Khách hàng vẫn mang tâm lý thận trọng, nghe ngóng trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều chuyển biến. Ảnh: Ng. Trâm

Bên cạnh đó, khảo sát từ các hội viên là sàn giao dịch BĐS cho ra kết quả, 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản, 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt. Phần còn lại có khả năng chống đỡ, nhưng sức chống chịu không cao. Số lượng DN BĐS quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường BĐS phục hồi tốt nhưng không nhiều.

VARS nhận định, nếu tình hình khó khăn trên thị trường BĐS tiếp tục duy trì, có tới 25% DN chỉ có thể trụ được tới hết quý III/2023. Thậm chí, nếu khó khăn kéo dài đến hết năm, số lượng DN có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.

"Các môi giới, sàn giao dịch cũng đang đối diện với những rủi ro không nhận được hoa hồng đúng hẹn. Các sàn giao dịch cũng có khả năng bị phạt, bị xử lý vì đến hạn mà không có tiền nộp thuế, không có tiền nộp bảo hiểm xã hội… do không có nguồn thu hoặc bị chủ cho thuê mặt bằng đòi mặt bằng trước hạn, cắt nước, cắt điện... do chậm thanh toán, không có tiền thanh toán", VARS cho hay.

Trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề tạo thanh khoản, giao dịch cho các DN BĐS, chuyên gia BĐS Nguyễn Hoàng cho biết, tháng 7, 8 vừa qua, một số dấu hiệu lạc quan cho làm tăng kỳ vọng cho sự phục hồi thị trường. Song, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là sức mua, từ đó tác động đến lượng hàng tiêu thụ của DN.

Để tạo thanh khoản và giao dịch cho DN, vị chuyên gia này lưu ý, khi khó khăn về sức mua thì việc đưa ra mức giá phù hợp là một trong những điểm đầu tiên mà DN nên cân nhắc. Cùng với đó, người mua, DN cũng cần tiếp cận vốn vay ngân hàng được dễ hơn, đi kèm mức lãi suất phù hợp.

Khảo sát thực tế của Nhadautu.vn cũng cho thấy, bước sang quý III một số DN đã trở lại với kế hoạch bán hàng, chuẩn bị cho dự án mới; một số DN cũng chào sản phẩm mới ra thị trường nhằm thăm dò mức độ quan tâm của người mua. Tuy nhiên, thực tế lượng khách giao dịch là không nhiều, chủ yếu là đi tham quan. Đặc biệt, người mua lo ngại pháp lý dự án thiếu minh bạch nên không muốn mua hoặc đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Từ chính sách đến hiệu quả thực thi còn khoảng cách lớn

Theo VARS, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa bao giờ các chính sách về pháp lý và dự án BĐS được ban hành quyết liệt và dồn dập như hiện nay. Hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương được tổ chức. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc.

Nhiều địa phương đã có những kết quả hết sức tích cực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, gần 500 dự án đã được chỉ đạo và giải quyết tháo gỡ vướng mắc.

Thị trường đã có những tín hiệu tích cực hơn là nhờ vào sự chung tay của các bộ, ngành và các DN BĐS. Đặc biệt là nhờ vào công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thông qua những chính sách then chốt, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của thị trường BĐS. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực thi vẫn là một vấn đề rất nan giải.

"Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS còn nhiều hạn chế do: các khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu. Sức khỏe của các DN BĐS đã suy yếu; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định của một số cán bộ tại một số địa phương", VARS nhấn mạnh.

Đánh giá về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, dữ liệu từ 500 DN nói trên cho biết, nguồn cung, có tới 43% DN được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung BĐS. 57% DN đánh giá các cơ chế, chính sách này mới chỉ ghi nhận tác động ở mức độ bình thường.

Về tâm lý nhà đầu tư, chỉ có 21% DN được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Các DN còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường nên khách hàng/nhà đầu tư vẫn "ôm" tâm lý thận trọng.

Về động thái của chính quyền địa phương trong khâu thực thi các cơ chế, chính sách mới được ban hành, 50% DN được khảo sát cho biết, cơ quan quản lý tại địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS; 14% cho biết các hoạt động này đã mang lại kết quả cụ thể, các dự án căn bản đã xác định được hướng giải quyết.

Còn về hoạt động điều hành, hỗ trợ DN của chính quyền địa phương nơi DN đăng ký kinh doanh, phân phối, phát triển dự án, 2/3 DN đánh giá, chính quyền địa phương nơi DN hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách. Nhưng chỉ có gần 15% DN đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất… đạt mức độ hiệu quả, rất hiệu quả. 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả, rất không hiệu quả. Một số địa phương có hoạt động điều hành, hỗ trợ DN được đánh giá cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, TP.HCM...


Tác giả: Theo Vũ Phạm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo