A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Ngày nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Có thể nói Đổi mới và sáng tạo là trung tâm của phát triển bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam đã, đang nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững có định hướng trong tương lai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thực trạng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay

Theo Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 thì Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Đổi mới sáng tạo đề cập đến tiến trình phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ gắn liền với vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, những phát minh, sáng chế, nguồn nhân lực và quá trình sử dụng, tương tác, thực hiện các sáng tạo công nghệ trên thực tiễn gắn với vai trò của các doanh nghiệp và các thể chế xoay quanh sự vận hành của các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống chính sách, thể chế tài chính, kết cấu hạ tầng giáo dục, truyền thông và các điều kiện của thị trường.

Để áp dụng khoa học - công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo phải là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn ở mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta trong giai đoạn sắp tới. Điều này được cụ thể hóa tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Chiến lược đã cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới sáng tạo, các nội dung được đề cập đến bám sát tiến trình đổi mới sáng tạo trong từng giai đoạn với những đặc trưng riêng. Trong giai đoạn này, Việt Nam xác định phát triển đổi mới sáng tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển; xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Việc tham gia vào xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) có ý nghĩa to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang có xu hướng chuyển sang mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về ĐMST trong 12 năm liền. Đồng thời là một trong số ít các nước đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm ĐMST riêng của quốc gia mình.

Với việc tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, các chỉ số đổi mới sáng tạo làm công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như: Xây dựng 40 nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số trong các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, trường học và các hộ gia đình, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và bảo đảm phần nào duy trì, phục hồi nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 1.000 thành viên và con số này đang tiếp tục được mở rộng. Đồng thời, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các khu công nghệ cao được xây dựng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo giữa các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Đặc biệt, thời gian qua, đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Điều này buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực. Tính đến tháng 3/2023, Việt Nam cũng đã có sự xuất hiện của hơn 3.000 startup trên toàn quốc về hầu hết các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, là cơ sở để các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kết nối và tận dụng nguồn lực sáng tạo từ bên ngoài này. Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quốc tế đánh giá cao.

Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua các hoạt động, như: tổ chức các chương trình, hội thảo kết nối, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số; Kết nối, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các startups tiếp cận các nguồn lực tài chính; Phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thúc đẩy hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho hơn 200 doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo và Hệ sinh thái khởi nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác với nhiều viện - trường, quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước; Vận hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở 20 quốc gia/vùng lãnh thổ. Nhiệm vụ trọng tâm là kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Đến nay, đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, các mạng lưới chuyên gia, trí thức, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính…

Mặc dù vậy, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam đang có những hạn chế, đó là:

Một là, nhiều địa phương, tổ chức đang đề xuất và xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các quy mô và các cấp độ, tên gọi khác nhau nhưng phải đối mặt với các thách thức về pháp lý, phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng...

Hai là, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với đổi mới sáng tạo, thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu đặc thù và khu vực kinh doanh; mức độ sẵn sàng về khoa học - công nghệ chưa cao.

Ba là, đối với doanh nghiệp, các chính sách về đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự chạm tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhận thức đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số còn thấp. Hiện nay, tiềm lực dành cho khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với các vấn đề chi phí khác như cơ sở vật chất, hạ tầng, vận chuyển, mặt bằng kinh doanh… Vậy nên, sử dụng chi phí để ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ cũng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp.

Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, phát triển đổi mới sáng tạo cần phải có các giải pháp đồng bộ xét ở khía cạnh cung và cầu. Trong đó, việc hình thành và phát triển đổi mới sáng tạo mở là hết sức quan trọng, thậm chí cơ chế đổi mới sáng tạo mở là nhân tố quyết định cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, đổi mới và sáng tạo cần có một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người. Hệ sinh thái đổi mới mở, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp,... Trong đó, các trường đại học giữ vai trò trung tâm, kết nối thông qua các hoạt động: (i) hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm năng đổi mới sáng tạo; (ii) đào tạo các thế hệ nghiên cứu mới, giàu tiềm năng và nhiệt huyết; (iii) gắn kết giữa nhu cầu đổi mới sáng tạo và các sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp, luân chuyển nguồn nhân lực giữa các trường đại học với các công ty, doanh nghiệp.

Thứ ba, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu: (i) thay đổi các điều kiện chi phí của nền kinh tế; (ii) khắc phục các rào cản chi phí ẩn/phụ của phân đoạn quốc tế; (iii) quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) số hóa và chuyển đổi số; (v) yêu cầu tăng trưởng xanh và bền vững.

Thứ tư, các địa phương và doanh nghiệp cần và phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có.

Thứ năm, Việt Nam cần có lộ trình để cải thiện các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế. Trong đó, Các chỉ số về thể chế, như chỉ số về môi trường kinh doanh, chỉ số tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh, chỉ số tạo thuận lợi trong giải quyết phá sản doanh nghiệp; Các chỉ số về nguồn nhân lực và nghiên cứu cần cải thiện như: tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước; Các chỉ số về cơ sở hạ tầng cần cải thiện, đó là: sử dụng ICT, dịch vụ trực tuyến chính phủ và mức độ tham gia trực tuyến (online e-participation); Các chỉ số về trình độ kinh doanh, gồm quy mô phát triển cụm công nghiệp, chỉ số hợp tác đại học - doanh nghiệp,…

Thứ sáu, các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung vào các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại….

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”;
  2. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Các chính sách đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, 2019;
  3. Trọng Đức (2021). Đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, truy cập từ http://hdll.vn/vi/tin-tuc/doi-moi-sang-tao-tro-thanh-dong-luc-tang-truong-moi.html;
  4. Tùng Linh (2021). Đổi mới sáng tạo, kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam, https://www.mpi.gov.vn/EN/Pages/tinbai.aspx?idTin=52521&idcm=188;
  5. Hoàng Giang (2023). Năm 2023 phấn đấu đưa chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; https://baochinhphu.vn/nam-2023-phan-dau-dua-chi-so-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-vao-nhom-4-nuoc-dan-dau-asean-10223020313351262.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo