A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân giá trứng gà, thịt heo chưa thể giảm theo xăng

Dù giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm song do chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn tăng cao khiến giá trứng gà, thịt heo... chưa thể điều chỉnh giảm.

Ngày 6/9, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc rà soát giá các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trên thị trường trước diễn biến giảm giá của giá xăng dầu.

Theo đó, trong số các mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường, mặt hàng dầu ăn đã được Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố và Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh giảm giá từ 6 – 8,51%, đồng thời kết hợp khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Với các nhóm hàng còn lại, việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2- 4 % trong cơ cấu giá thành sản phẩm.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá vừa qua chủ yếu bị tác động bởi chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tái đàn trong thời gian qua. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng hết sức để giữ giá ổn định trong giai đoạn khó khăn mà chưa thể giảm giá.

Cụ thể, trong chương trình bình ổn, giá trứng gà loại 1 là 31.500 đồng/chục, trứng vịt loại 1 37.000 đồng/chục; trong khi giá bán ngoài thị trường 35.000 – 37.000 đồng/chục trứng gà và 40.000 – 45.000 đồng/chục trứng vịt.

Các doanh nghiệp lý giải, chi phí xăng dầu chỉ chiếm 2,2% trong cơ cấu giá thành trong khi chi phí nguyên liệu, vật liệu chính chiếm 77 %. Thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay dẫn đến giá trứng nguyên liệu cũng tăng liên tục. Nhiều người chăn nuôi không cầm cự nổi, tạm nghỉ dẫn đến nguồn cung giảm. Với giá bán bình ổn hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chịu lỗ.

“Trong cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm, giá xăng dầu không chiếm nhiều. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi – yếu tố chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Bên cạnh đó, hiện nay giá trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn đang thấp hơn thị trường từ 10%-15%. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao”, bà Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc công ty TNHH Ba Huân cho biết.

Tương tự, với mặt hàng thịt gia cầm, chi phí xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,05% - 4% cơ cấu giá thành, chi phí nguyên vật liệu chính là gà lông và vịt lông chiếm 80%. Từ tháng 5 đến nay, giá gà, vịt tăng từ 18% - 30% nhưng các doanh nghiệp không tăng giá. Các doanh nghiệp cam kết khi giá nguyên vật liệu chính giảm sẽ tính toán điều chỉnh giá theo quy định.

Với nhóm mì gói, bún, miến, phở 80% giá thành sản phẩm chủ yếu cấu thành từ giá nguyên liệu như: bột mì, dầu cọ, trấu, than cám… Xăng dầu chỉ chiếm 3%, nên giá xăng dầu có giảm nhưng tác động không nhiều đến cơ cấu giá thành. Trong khi đó, giá nguyên liệu chính đã tăng 15% - 28% so với đầu chương trình.

Với mặt hàng thịt heo, xăng dầu chỉ chiếm 2,38 - 2,8% trong cơ cấu giá thành. Hiện giá heo hơi ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 10% so với thời điểm điều chỉnh liền kề ngày 18/7/2022 nên các doanh nghiệp vẫn chưa thể điều chỉnh giảm giá. Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết, với mặt hàng tươi sống, doanh nghiệp xin điều chỉnh mức giá bình ổn khi giá heo hơi đang ở mức 60.000 đồng/kg, và mức điều chỉnh cũng không cao. Tuy nhiên, sau đó giá heo hơi tăng lên trên 70.000 đồng/kg, và hiện nay giảm xuống còn 64.000 – 65.000 đồng/kg thì mức giá này vẫn cao hơn giá cơ sở. Do đó, không thể điều chỉnh xuống giá bình ổn được. “Heo hơi chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành và giá đang còn cao nên xăng dầu có giảm cũng khó điều chỉnh giảm giá thịt heo”, ông Nguyễn Ngọc An nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4/8, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh có công văn gửi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Sở Tài chính đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình rà soát mức giá bán đăng ký tham gia chương trình hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo