A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bị "giam" tiền hoàn thuế, doanh nghiệp kiệt sức

Quy định hoàn thuế GTGT hiện không còn phù hợp vì việc kiểm tra, xác minh thông tin mua - bán hàng hóa do doanh nghiệp kê khai nằm ngoài tầm tay của cán bộ thuế.

Thông tin xung quanh việc doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi hoàn thuế GTGT được nêu ra tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-7 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến của cộng đồng DN.

10 lần gửi văn bản vẫn chưa được hoàn thuế

Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS), thông tin theo cập nhật chưa đầy đủ của các DN hội viên, tiền thuế GTGT mà DN chưa được hoàn hiện lên đến 700 tỉ đồng. "Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh DN gặp khó khăn về dòng tiền như hiện nay. Cộng đồng DN mong sớm được hoàn thuế GTGT để phần nào giải quyết khó khăn trước mắt" - ông Tiến bày tỏ.

Chủ tịch VICAAS cho hay hiệp hội đang kiến nghị bỏ quy định tạm đóng thuế GTGT khi xuất khẩu để giảm bớt thủ tục hoàn thuế cho DN. Đại diện VICAAS phân tích: Về bản chất, tiền hoàn thuế GTGT là tiền của DN tạm đóng trước. Nếu không tạm đóng thuế GTGT thì nhà nước không cần tốn nguồn lực để quản lý và kiểm soát việc hoàn thuế hoặc phát sinh trường hợp DN gian lận.

Với nhóm DN sử dụng gỗ rừng trồng, theo tìm hiểu của phóng viên, ước tính số lượng thuế GTGT chưa được hoàn tính đến nay khoảng 6.000 tỉ đồng. Có DN có số tiền thuế GTGT chưa được hoàn lên tới 200 tỉ đồng, nhiều DN đang chờ hoàn thuế 40-50 tỉ đồng. Theo quy định hiện hành, thời gian hoàn thuế GTGT cho DN không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ của DN. Tuy nhiên, nhiều DN ngành gỗ chưa được hoàn thuế từ năm 2022 đến nay.

Bị giam tiền hoàn thuế, doanh nghiệp kiệt sức - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, sắn mong muốn sớm được hoàn thuế GTGT và bỏ chính sách tạm đóng thuế GTGT khi xuất khẩu. Ảnh: NGỌC ÁNH

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lý giải nguyên nhân gây ách tắc trong việc hoàn thuế GTGT là do các công văn hướng dẫn của Tổng Cục thuế coi gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Theo đó, Tổng Cục thuế yêu cầu cục thuế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh nguồn gốc gỗ. "Việc kiểm tra, giám sát DN như hiện nay không những làm ách tắc hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng DN" - đại diện hiệp hội này nhìn nhận.

Theo lãnh đạo một công ty chế biến gỗ xuất khẩu, việc xác minh nguồn gốc gỗ tới người dân đang gây khó cho DN. Công ty này nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra. "Mỗi ngày, 2 cán bộ công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng. Trong khi đó, DN mua gỗ ở nhiều địa bàn với rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, thậm chí có đến hàng ngàn chủ rừng. Nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm!" - lãnh đạo công ty này nêu thực tế.

Ông Lê Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Leglor (TP HCM), cho hay số tiền chậm hoàn thuế GTGT của công ty là 30 tỉ đồng, mới được giải quyết 10,5 tỉ đồng. Việc chậm hoàn thuế đã diễn ra từ giữa năm 2021 với lý do dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động. Tuy nhiên, khi dịch đã được kiểm soát, DN tiếp tục gửi hồ sơ hoàn thuế thì vẫn bị ách tắc.

"Chúng tôi đã gửi 8 văn bản kiến nghị, 2 văn bản đề nghị đến cơ quan thuế. Ngành thuế xác nhận bộ hồ sơ đầy đủ, rõ ràng nhưng chưa thể giải quyết do vướng quy định về xác minh nguồn gốc. DN có đủ hợp đồng xuất khẩu, hàng hóa đã được thông quan, thanh toán qua ngân hàng thì lẽ ra là đủ điều kiện để được hoàn thuế rồi. Khó hơn nữa là hồ sơ hoàn thuế gửi đợt 1 chưa được giải quyết thì ngành thuế không tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đợt 2 của DN" - ông Mạnh bức xúc.

Cần điều chỉnh hợp lý

Để được hoàn thuế GTGT, DN sẽ tự kê khai thông tin; trên cơ sở đó, cơ quan thuế có thể quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Riêng với những DN thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, cơ quan thuế phải hoàn tất việc kiểm tra, xác minh tính trung thực thông tin do DN kê khai, bao gồm cả bên bán lẫn bên mua hàng, thì mới quyết định hoàn thuế.

Tuy nhiên, điểm vướng mắc rất lớn hiện nay là lực lượng cán bộ thuế gần như không thể xác minh thông tin bên bán và bên mua hàng, nhất là khi bên bán và bên mua đều ở nước ngoài. Trong khi đó, chỉ cần sai sót một khâu trong chuỗi kiểm tra, cán bộ thuế bị quy trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khiến họ không dám "mạo hiểm" trong việc quyết định hoàn thuế cho DN.

Từ thực tế trên, giám đốc một DN chuyên về kế toán thuế cho rằng quy định về hoàn thuế GTGT hiện không còn phù hợp. Giám đốc này góp ý chính sách thuế cần thay đổi theo hướng hủy bỏ việc khấu trừ thuế GTGT, thay vào đó là áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu. "Việc tự kê khai thông tin hàng hóa thường dẫn đến tình trạng DN cố tình gian lận, mua bán hóa đơn không hợp lệ. Đồng thời, không ngoại trừ tình huống cán bộ thuế bỏ qua một vài khâu kiểm tra để được hoàn thuế, trục lợi nguồn thu ngân sách" - giám đốc DN nói trên phân tích.

Nêu góc nhìn khác, ông Nguyễn Chiến Lũy, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Bắc Trung Nam, cho rằng phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Ví dụ: Công ty A bán hàng cho công ty B, công ty A phải nộp thuế GTGT theo doanh thu. Khi công ty B bán hàng cho công ty C thì công ty B lại tiếp tục nộp thuế GTGT... Theo ông Lũy, phương pháp khấu trừ thuế GTGT là phù hợp với tình hình hiện nay. Vấn đề còn lại là cơ quan thuế cần cải cách thủ tục hành chính, giám sát chặt và phát hiện, xử lý nhanh tình trạng DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, cần có giải pháp triệt tiêu việc thành lập DN chỉ để bán hóa đơn khống.

"Việc hoàn thuế hiện nay tồn tại bất hợp lý khi pháp luật quy định người nộp thuế chậm nộp sẽ bị phạt 0,03% ngày/số tiền chậm nộp, còn cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì chỉ trả lãi cho người nộp thuế không đáng kể. Cần điều chỉnh quy định này theo hướng cơ quan thuế chậm hoàn thuế cũng phải trả lãi cho người nộp thuế với tỉ lệ tương đương mức phạt chậm nộp đối với người nộp thuế" - ông Lũy nêu quan điểm. 

Chặn trục lợi hoàn thuế GTGT

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, có tình trạng DN lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để trục lợi, gây rủi ro cho ngành thuế, cán bộ phụ trách công tác hoàn thuế. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoàn thuế GTGT, quản lý rủi ro như áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo để đối chiếu nhiều lớp nhằm phát hiện trường hợp bất thường. Đồng thời, phân công, phân nhiệm cán bộ thuế phụ trách từng DN để khi xảy ra dấu hiệu vi phạm thì lập tức tổ chức thanh - kiểm tra ngay.

VỤ CÔNG TY AN PHÁT: Hợp đồng vô hiệu nên không được hoàn thuế (?)

Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, dẫn chứng trường hợp Công ty An Phát (TP Hà Nội) khiếu nại Tổng Cục thuế, Cục Thuế Hà Nội cố ý đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thuế GTGT với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng từ các năm 2020, 2021. Công ty này cho biết đã thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ hoàn thuế theo quy định và đã được cơ quan công an xác minh không có dấu hiệu vi phạm.

Ngày 13-7, bên lề hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay với trường hợp DN nêu trên, cơ quan công an đã xác minh với phía Trung Quốc (thị trường xuất khẩu của DN - PV) là không có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, quy trình hoàn thuế đòi hỏi bảo đảm điều kiện cần về hợp đồng kinh tế. Khi cơ quan thuế Việt Nam đối chiếu thông tin với cơ quan thuế Trung Quốc, phía nước bạn trả lời không có giao dịch này, nghĩa là hợp đồng vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không được hoàn thuế.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Tổng Cục thuế thông tin vụ việc của Công ty An Phát có hồ sơ khá phức tạp, cơ quan thuế phải xác minh, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Trước đây, Tổng Cục thuế đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội khẩn trương rà soát việc này. Sau cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị của Tổng Cục thuế, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai rà soát, kiểm tra việc hoàn thuế cho DN.


Tác giả: Theo Nhóm PV
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo