Xu hướng chấp nhận mọi thanh toán không tiền mặt tại quầy thanh toán bắt đầu tăng mạnh
Khách hàng Việt Nam dễ tiếp nhận các hình thức thanh toán hiện đại, trong khi doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng giải pháp thanh toán toàn diện để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Sau đại dịch, các hình thức thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, thống kê riêng trong mảng F&B (thực phẩm & đồ uống) cho thấy doanh nghiệp ưa chuộng các giải pháp thanh toán toàn diện - giúp khách hàng giao dịch bằng hầu như mọi hình thức thanh toán số hiện nay. Bên cạnh đó, có một xu thế ngày càng tăng của phương thức thanh toán không tiếp xúc.
Thanh toán không tiếp xúc (contactless) ngày càng phổ biến
Thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến. Riêng ở mảng F&B (đồ ăn thức uống), trong quý 1/2022, các doanh nghiệp trong mạng lưới thanh toán của Payoo ghi nhận các nguồn thanh toán phổ biến là Thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85 %, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%.
Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) có xu hướng tăng cao.
Quý 1/2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33,5% theo giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4/2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch. Trong khi đó, con số này ở quý 4/2021 lần lượt là 27% và 28%.
Thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ cho phép khách hàng chạm thẻ vào máy POS để thanh toán, không cần đưa cho nhân viên để “cà” thẻ. Việc này giúp khách hàng bảo mật thông tin tốt hơn và hạn chế tiếp xúc trong giai đoạn dịch bệnh.
Xu hướng thanh toán không tiếp xúc không mới nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Tuy vậy, phương thức giao dịch này và nhiều hình thức thanh toán mới nổi đang ngày càng được khách hàng trong nước và trên toàn khu vực đón nhận.
Có 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay đã tiếp cận được các hình thức thanh toán mới nổi, theo khảo sát “Chỉ số thanh toán mới 2021" của Mastercard. Trong khi đó, có đến 88% đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái. Có tới 2/3 số người được khảo sát, trong đó có 75% thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1981 - 1996), chia sẻ rằng họ đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng mình sẽ không sử dụng nếu không có đại dịch.
Tại Việt Nam, các nhà cung cấp như Mastercard đang thực hiện nhiều chương trình để đẩy mạnh hình thức thanh toán mới này.
Doanh nghiệp F&B ưa chuộng giải pháp thanh toán toàn diện
Dễ thấy tại quầy thanh toán của các nhà hàng, quán ăn hiện nay chấp nhận rất nhiều hình thức thanh toán khác nhau. Người dùng có thể thanh toán bằng ví điện tử của MoMo, Moca, ShopeePay… hay quét QR Code của các ứng dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, hình thức thanh toán thẻ truyền thống cũng được triển khai.
Do các yêu cầu về thanh toán điện tử tại quầy tăng cao, Payoo cho hay đã triển khai phương thức này cho nhiều chuỗi lớn hiện nay như Haidilao, Jollibee, Highlands Coffee, Gongcha…
Tại những mô hình toàn diện, khách hàng có thể thanh toán bằng bất kỳ phương thức thanh toán nào: Thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR của hơn 40 ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên thị trường, và cả các phương thức thanh toán mới nổi như thanh toán không tiếp xúc.
Các đơn vị F&B này có thể lựa chọn kết nối với nhiều đơn vị khác nhau, tuy nhiên luồng quản lý sẽ rời rạc, phải tương tác đồng thời với nhiều hệ thống. Do vậy, họ chọn kết nối với một giải pháp thống nhất để chỉ kết nối một lần duy nhất, doanh nghiệp đã có tất cả các phương thức thanh toán hiện có, thậm chí được tiếp cận nhanh nhất với các phương thức mới trên thế giới khi chúng được triển khai tại Việt Nam.