Thủ tướng: 'Lựa chọn điện sạch thì giá điện nào để người dân, doanh nghiệp chịu được?'
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng sang sử dụng nguồn điện sạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần có cách tiếp cận các nguồn lực đảm bảo tính công bằng và công lý để có giá điện hợp lý.
Chiều 11-12, trong chương trình chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm với một số lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Hà Lan, trực tiếp giải đáp những băn khoăn, thắc mắc mà các doanh nghiệp nêu ra.
Tại phòng họp nằm giữa trụ sở Heineken ở Amsterdam, Thủ tướng cho hay sẽ lắng nghe và giải đáp mọi ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp mà "không giới hạn về thời gian". Buổi trao đổi trong không khí cởi mở giữa hai bên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp trả lời từng câu hỏi mà các doanh nghiệp nêu ra.
Nhiều lời đề nghị đầu tư hấp dẫn
Cho rằng Việt Nam lựa chọn phát triển bao trùm, bền vững, thể hiện sự tiên phong khi cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Dolf van den Brink, tổng giám đốc Heineken, mong muốn thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời…
Trong khi đó, bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam hướng tới là trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới, ông Bas van Bemmelen - lãnh đạo Tập đoàn Boskalis - chuyên về hàng hải, logistics - đề nghị sẽ xây dựng dự án cảng mới, nhưng mong muốn thiết lập khuôn khổ pháp lý cho nhà đầu tư, tạo thuận lợi hơn khai thác cát phục vụ xây dựng.
Đại diện một tập đoàn chăn nuôi cũng cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, mở rộng đầu tư trong công nghệ gene, nuôi trồng thủy sản, hợp tác với nông dân và chính quyền địa phương để sản xuất hoa màu, nên mong muốn tăng cường cung cấp tài chính cho người nông dân trong triển khai các dự án.
Bắt đầu phần giải đáp bằng việc chia sẻ câu chuyện có hai thứ "gây nghiện" ở Việt Nam là sữa Cô Gái Hà Lan và bia Heineken, cũng như ấn tượng về đội bóng Hà Lan vốn được mệnh danh là "cơn lốc màu da cam" đã nhiều lần vào chung kết, Thủ tướng khiến cho cuộc đối thoại giữa những nhà quản lý với nhà đầu tư trở nên thân mật, cởi mở hơn.
Thủ tướng trả lời, đối thoại từng câu hỏi mà nhà đầu tư nêu ra - Ảnh: N.PHÚC
Hướng tiếp cận công bằng, công lý về năng lượng
Giải đáp từng câu hỏi, Thủ tướng nói để phát triển bền vững, Việt Nam đang thực hiện nhiều chương trình như giảm phát thải khí metan từ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể.
Nhưng để thực hiện chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng bày tỏ nhu cầu cần vốn, công nghệ và đào tạo nhân lực, quản trị, xây dựng thể chế phù hợp cam kết quốc tế, trên cơ sở tiếp cận theo hướng công bằng, công lý.
"Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, phải gánh vác trách nhiệm chung như các nước đang phát triển. Như với điện, lựa chọn là điện sạch, nên giá điện phải thế nào để người dân và doanh nghiệp chịu được, vì giá cao thì nhà đầu tư vào không chịu được nên muốn giá thành giảm thì phải cải tiến công nghệ, quản lý tốt và tiếp cận vốn ưu đãi", Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đề nghị các định chế cho vay vốn để triển khai dự án năng lượng tái tạo với giá ưu đãi, giúp đào tạo nhân lực, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng nền công nghiệp về năng lượng sạch với một quyết tâm "phải làm".
Thủ tướng cũng đề nghị hợp tác trong nông nghiệp bền vững, trên nền tảng Việt Nam là nước nông nghiệp để làm sao người làm nông nghiệp có thu nhập lớn, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Về định hướng phát triển trung tâm trung chuyển của thế giới về hàng hóa, logistics, Thủ tướng cho rằng đây là tham vọng của Việt Nam để khai thác hiệu quả lợi thế về đường biển. Vì vậy, trọng tâm sẽ đầu tư hệ thống cảng biển, học tập mô hình kết nối hàng hải của Hà Lan để phát triển bền vững.
Ủng hộ tôn chỉ "không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải"
Cũng trong chiều 11-12, trong cuộc gặp ông Marcin Czepelak, tổng thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế.
Đồng thời, đề nghị đề nghị PCA thông qua văn phòng đại diện tại Hà Nôi sẽ tích cực hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam về kinh nghiệm ứng xử với các vấn đề về lãnh thổ, kinh tế, thương mại…
Tổng thư ký bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi "không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải"; đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam.