A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Nam áp lực tiêu hơn 9.200 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 là hơn 9.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) chỉ mới hơn 4.135 tỷ đồng (đạt 44,6%).

9 tháng chỉ mới giải ngân 44,6%

Theo UBND tỉnh Quảng Nam , năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 9.200 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 7.700 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 1.400 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, tỉnh Quảng Nam phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các ngành và các địa phương là 7.579 tỷ đồng (đạt 97,1%). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.961 tỷ đồng (đạt 98,2%); vốn ngân sách địa phương 4.604 tỷ đồng (đạt 96,1%). Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết 224 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến ngày 30/9, vốn đầu tư công năm 2023 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 4.135 tỷ đồng (đạt 44,6%). Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 3.345 tỷ đồng (đạt 42,9%); kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 790 tỷ đồng (đạt 53,6%).

Đáng chú ý, đến thời điểm này, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 45%. Trong đó có 8 sở, ban, ngành gồm: Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở KH&ĐT, Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi tỉnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.

Và 8 địa phương giải ngân dưới 45%, gồm TP. Hội An, Quế Sơn, Núi Thành, Bắc Trà My, Phước Sơn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Nông Sơn.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Nam áp lực tiêu hơn 9.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 là hơn 9.200 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Lý giải việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do việc xử lý hồ sơ giải ngân của nhà tài trợ chậm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc nên dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do nguồn vốn phân bổ vào đầu năm 2023, các dự án có quy mô lớn và triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, giai đoạn từ đây đến cuối năm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các đợt mưa dông, bão lũ nên sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án. Do vậy, việc phải giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2023 là áp lực và thách thức đối với các chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

Cùng với đó, công tác khảo sát lập dự án đầu tư và lập thiết kế, dự toán xây dựng còn chậm, thiếu sót nên dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt (dự án, thiết kế) tốn nhiều thời; khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép…

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai các thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của một số ngành, địa phương còn chậm. Số danh mục công trình nhiều, danh mục công trình năm 2023 phải qua HĐND các cấp (HĐND huyện, xã) nên kéo dài thời gian thực hiện của các dự án.

Một số dự án thực hiện trên địa bàn miền núi, vướng quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng, vướng đất rừng nên đến nay các địa phương đang lập thủ tục đầu tư hoặc xin điều chỉnh.

Ngoài ra, các huyện miền núi của tỉnh đều được thụ hưởng 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên nguồn vốn phân bổ thực hiện rất lớn, cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng ít nhưng cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định các dự án…

Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Nam áp lực tiêu hơn 9.200 tỷ đồng - Ảnh 2.

Đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu công (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) của Quảng Nam chỉ mới hơn 4.135 tỷ đồng (đạt 44,6%). Ảnh: T.V.

Áp lực tiêu 9.200 tỷ đồng

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Một trong những động thái quyết liệt nhất của chính quyền tỉnh Quảng Nam là sẽ điều chuyển công tác đối với người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Đơn cử như đối với Dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã từ nguồn ngân sách trung ương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, dự án này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới tiến hành giải ngân được 2,1/196,9 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tổ chức vào giữa tháng 7/2023, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã ra "tối hậu thư" đối với dự án này.

"Đến cuối năm 2023, dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế không hoàn thành thì Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn quyết định để chuyển giám đốc Ban này đi nhận nhiệm vụ khác", ông Cường nói.

Để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đến hết quý IV/2023 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2022 được cấp thẩm quyền cho kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều giải pháp trong 3 tháng còn lại.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở KH&ĐT quyết liệt đẩy mạnh thực hiện rà soát và điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh) cho các dự án khác có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung kế hoạch vốn.

Đặc biệt, các chủ đầu tư có dự án khởi công mới năm 2023 cần tập trung nhân sự chuẩn bị kỹ hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thụ lý để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, các địa phương thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đồng thời tập trung rà soát quy hoạch, trữ lượng các mỏ nguyên vật liệu để dự báo nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng thông thường xây dựng các công trình vốn đầu tư công để bổ sung quy hoạch các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, ưu tiên phân phối cho các dự án trọng điểm, quy mô lớn và vốn đầu tư lớn...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo