Thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Tỉnh uỷ Sơn La vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (Quy định số 178).
Kế hoạch số 241-KH/TU, ngày 24/7/2024 của Tỉnh uỷ Sơn La tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ, cụ thể:
4 nhiệm vụ trọng tâm
Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan báo chí của tỉnh, cấp ủy các tổ chức xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 178 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động thuộc cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả trong giám sát, góp ý, phản biện, tham gia xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội và Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật.
Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định về PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đẩy mạnh công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, đơn vị.
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
7 nhiệm vụ cụ thể
Tăng cường kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật: Cấp ủy các cấp, tổ chức Đảng trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xây dựng pháp luật tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng pháp luật. Đưa nội dung kiểm tra, giám sát đối với công tác xây dựng pháp luật vào chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm.
Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật: Tổ chức rà soát, sửa đổi và ban hành theo thẩm quyền các quy trình, quy định bảo đảm trình tự, thủ tục chặt chẽ, khoa học, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, không tạo kẽ hở để lợi dụng thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật từ giai đoạn lập, thông qua, điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật cho đến giai đoạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh: Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo quy định về nội dung văn bản quy phạm pháp luật theo Quy định số 178. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng ban hành văn bản hành chính thông thường có chứa quy phạm pháp luật.
Tăng cường công tác giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp; chủ động thường xuyên thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy pháp pháp luật của HĐND các cấp; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động rà soát, kiểm tra và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ trong công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật; phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật: Cơ quan, tổ chức và người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình xây dựng pháp luật của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, của cơ quan báo chí và Nhân dân: Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân về PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường giám sát, góp ý, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng pháp luật; nhất là giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng, ban hành, thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các vấn đề dễ phát sinh xung đột về lợi ích, các nhóm vấn đề liên quan mật thiết đến kinh tế - xã hội. Chú trọng hơn nữa việc lắng nghe, tiếp thu, lấy ý kiến Nhân dân đối với các dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách mới của Nhà nước, của tỉnh…
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị để thu hút cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực pháp luật tham gia công tác xây dựng pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật.