A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, giảm bệnh tật và tử vong

Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Các chuyên gia ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của người dân về lâu dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sáng ngày 13/8, Bộ Truyền thông và Thông tin phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Đứng trước những tác hại về sức khoẻ, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định giải pháp “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (vào tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Dự thảo điều chính thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030 với 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Theo đánh giá của các chuyên gia mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp nên sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đặt như kỳ vọng.

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là một bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia. WHO khuyến nghị một phương án cao hơn, theo đó mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/bao đến năm 2030, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại.

Phương án khuyến nghị của WHO sẽ dẫn đến tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.

Bên cạnh đó, phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

Đồng quan điểm với WHO, Bộ Y tế ủng hộ và hoàn toàn nhất trí với Bộ Tài chính về một số đề xuất trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt đối là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá phải đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo