A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ông Trần Thanh Mẫn: “Quốc hội nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ”

Theo quan điểm của ông Trần Thanh Mẫn, sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.

 

Sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 tới đây. Một trong những vấn đề lớn được sửa đổi là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Minh bạch trong phân cấp, phân quyền

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong phân cấp, phân quyền. Theo quan điểm của ông, sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ để Chính phủ chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.

Các nguyên tắc phân định thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quy định rõ quan hệ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội.

“Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “đúng vai, thuộc bài”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Liên quan phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm thường đề cập là, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành. 

“Tới đây, Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư công, không quản lý danh mục tiền mà giao một khối cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về địa phương, không còn cơ chế xin - cho. Thủ tướng cũng nói nhất trí giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương”, ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời nhấn mạnh “làm minh bạch trong phân cấp, ủy quyền”.

“Trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm”

Phân cấp, ủy quyền được thể hiện Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, phải đồng bộ, thống nhất. 

Ông cũng đề cập đến vấn đề thủ tục hành chính và đặt vấn đề: Mình cải tiến, cải cách thông suốt chưa? Nói giao nhưng trên vẫn còn ôm? Giao nhưng muốn làm cái gì vẫn phải thông qua trên? 

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức được phân cấp để đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. 

Thực tế, theo ông, có những địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ Trung ương, không kêu khó, nhưng có địa phương lại kêu do quy định. Nhiều địa phương làm có sản phẩm, tăng trưởng, thu ngân sách cao mà không kêu, song cũng có nơi không làm được lại đổ lỗi do luật.

Đề nghị xác định nguyên tắc “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm”, và cần bổ sung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh tới đây cấp xã rất mạnh khi nhiều đơn vị cấp trung gian ở huyện không còn, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Báo cáo thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc xây dựng luật thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, nên sửa đồng bộ, toàn diện và căn bản.

Theo bà, cùng với việc trình các dự án luật, Chính phủ đã chuẩn bị song song 3 dự thảo nghị định để có thể ban hành, triển khai kịp thời ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

“Quốc hội bế mạc kỳ họp, Chính phủ sẽ triển khai ngay nghị quyết và công bố cơ cấu tổ chức Chính phủ, triển khai các nghị định về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy để hoạt động được luôn, không để khoảng trống pháp lý”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung về phân cấp trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Việc này, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để “tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ”.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung nguyên tắc phân cấp, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).

“Đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp”, theo ông Hoàng Thanh Tùng.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo