Mỹ phát hiện động thái bất thường của Iran tại eo biển Hormuz?
Mỹ tiết lộ Iran đã chất thủy lôi lên tàu tại vùng Vịnh sau khi bị Israel không kích, làm tăng quan ngại về khả năng phong tỏa eo biển Hormuz.
![]() |
Bản đồ hiển thị Eo biển Hormuz và Iran. Ảnh: REUTERS. |
Quân đội Iran đã chất thủy lôi hải quân lên các tàu ở vùng Vịnh vào tháng trước, một động thái làm gia tăng quan ngại tại Washington rằng Tehran có thể đang chuẩn bị phong tỏa eo biển Hormuz sau loạt cuộc không kích của Israel nhằm vào các địa điểm tại Iran, theo 2 quan chức Mỹ cho biết.
Các quan chức này, đề nghị giấu tên để thảo luận về các vấn đề tình báo nhạy cảm, nói rằng những động thái chuẩn bị này, chưa từng được công bố trước đó, đã bị tình báo Mỹ phát hiện sau khi Israel thực hiện cuộc tấn công tên lửa đầu tiên vào Iran hôm 13/6.
Dù chưa được rải nhưng việc chất thủy lôi cho thấy Tehran có thể thực sự nghiêm túc với việc đóng cửa một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, điều có thể khiến căng thẳng leo thang và làm tê liệt nghiêm trọng thương mại toàn cầu.
Ước tính khoảng 1/5 lượng dầu và khí đốt toàn cầu đi qua eo biển Hormuz, nên bất kỳ sự phong tỏa nào cũng có thể khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt.
Tuy nhiên, giá dầu chuẩn toàn cầu đã giảm hơn 10% kể từ sau khi Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, một phần do thị trường yên tâm vì chưa có gián đoạn nghiêm trọng nào xảy ra đối với hoạt động buôn bán dầu.
Lập trường của Iran về việc phong tỏa eo biển
Ngày 22/6, ngay sau khi Mỹ ném bom 3 cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran nhằm làm tê liệt chương trình hạt nhân của Tehran, Quốc hội Iran được cho là đã ủng hộ một biện pháp phong tỏa eo biển.
Tuy nhiên, Press TV của Iran đưa tin vào thời điểm đó rằng quyết định này không mang tính ràng buộc và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao mới là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đóng eo biển hay không.
Từ trước đến nay, Iran nhiều lần đe dọa đóng eo biển Hormuz nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Reuters chưa xác định được thời điểm chính xác trong cuộc chiến trên không giữa Israel và Iran khi nào Tehran đã chất thủy lôi, và hiện cũng chưa rõ liệu những quả thủy lôi này đã được dỡ bỏ khỏi tàu hay chưa.
Hai quan chức Mỹ từ chối tiết lộ cách thức mà tình báo Mỹ xác định được việc chất thủy lôi, song các biện pháp thu thập thông tin thường dựa trên hình ảnh vệ tinh, nguồn tin bí mật hoặc kết hợp cả 2.
Khi được hỏi về các chuẩn bị của Iran, một quan chức Nhà Trắng nói: “Nhờ sự thực thi xuất sắc của Tổng thống trong Chiến dịch Búa Đêm, chiến dịch thành công chống lực lượng Houthi, và chiến lược gây áp lực tối đa, eo biển Hormuz vẫn mở, tự do hàng hải được khôi phục và Iran đã suy yếu đáng kể.”
Lầu Năm Góc không phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận. Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc cũng không trả lời các yêu cầu bình luận từ Reuters.
Tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz, ngày 21/12/2018. Ảnh: REUTERS
Vị trí chiến lược và tiềm lực hải quân của Iran
Hai quan chức Mỹ cho rằng Washington không loại trừ khả năng hành động chất thủy lôi chỉ là một động thái nghi binh. Iran có thể đã chuẩn bị các quả thủy lôi để khiến Mỹ tin rằng họ nghiêm túc về việc phong tỏa eo biển, nhưng không có ý định thực sự.
Cũng có khả năng lực lượng quân sự Iran chỉ đang thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết trong trường hợp giới lãnh đạo nước này đưa ra lệnh phong tỏa.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, nối vùng Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ả Rập phía nam. Tại điểm hẹp nhất, eo biển rộng 34 km, với làn đường hàng hải rộng chỉ khoảng 3,2 km theo mỗi chiều.
Các thành viên OPEC như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Iraq đều xuất khẩu phần lớn dầu thô qua eo biển này, chủ yếu đến thị trường châu Á. Qatar – một trong những nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới – cũng vận chuyển gần như toàn bộ lượng LNG qua đây.
Iran cũng xuất khẩu phần lớn dầu thô của mình qua eo biển Hormuz, điều này về lý thuyết có thể hạn chế mong muốn của Tehran trong việc đóng cửa eo biển. Tuy nhiên, Iran trong nhiều năm qua đã đầu tư đáng kể nhằm bảo đảm khả năng phong tỏa tuyến đường huyết mạch này khi cần thiết.
Theo ước tính của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2019, Iran sở hữu hơn 5.000 quả thủy lôi hải quân có thể được triển khai nhanh chóng nhờ vào các tàu cao tốc cỡ nhỏ.
Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, đóng tại Bahrain, được giao nhiệm vụ bảo vệ hoạt động thương mại tại khu vực.
Tất cả các tàu chống thủy lôi đã tạm thời rút khỏi Bahrain trong những ngày trước khi Mỹ không kích Iran, để đề phòng một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào sở chỉ huy Hạm đội 5. Tuy nhiên, phản ứng tức thời của Iran chỉ dừng lại ở một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar.
Các quan chức Mỹ cho biết họ không loại trừ khả năng Iran sẽ có thêm những biện pháp trả đũa trong tương lai.