Coi trọng và nâng chất lượng công tác đối ngoại nhân dân
Ngày 25/4, tại thành phố Hải Dương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hải Dương, Cụm phó Cụm thi đua số 1 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hoạt động Cụm số 1 năm 2025 và Hội thảo nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Đánh giá cao hoạt động của các thành viên Cụm thi đua số 1, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường quan tâm đến công tác đối ngoại nhân dân. Cho rằng cuộc cách mạng tổ chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một cơ hội để Liên hiệp phát huy vai trò, ông Nguyễn Ngọc Hùng đề nghị các thành viên Cụm thi đua số 1 cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt đối với những địa phương trong diện sáp nhập.
Các thành viên trong Cụm thi đua số 1 cần tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong một số chương trình lớn; thúc đẩy, bám sát kế hoạch để hoàn thành tốt nội dung công tác đối ngoại nhân dân; thu hút các sở ngành, hội ở địa phương tham gia các hoạt động công tác đối ngoại nhân dân… Để nâng cao chất lượng viện trợ phi chính phủ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương cần có kế hoạch đa dạng hóa nguồn viện trợ...
Tại hội nghị, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Trọng, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ nội dung và trách nhiệm, trên cơ sở đó, các cơ quan thẩm định và cấp kinh phí hoạt động cho Liên hiệp; coi trọng thông tin tuyên truyền đối ngoại; thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động công tác đối ngoại nhân dân…
Theo lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nghệ An, kinh nghiệm địa phương là bám sát phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, hợp tác chặt chẽ với trên 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài để trao đổi kế hoạch hợp tác, các dự án xây phòng học, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, dạy ngoại ngữ, kết nối doanh nghiệp của tỉnh với đối tác nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực. Đơn vị cũng xây dựng trang thông tin điện tử tổng hợp đa ngôn ngữ, gồm 16 ngôn ngữ nước ngoài nhằm phản ánh kịp thời các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; chủ động phối hợp linh hoạt với Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy và các sở ngành để đẩy mạnh thông tin đối ngoại…
Với tỉnh Thanh Hóa, cần quan tâm và tạo mối quan hệ mật thiết với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức viện trợ khảo sát, triển khai thực hiện dự án; chuẩn bị đề xuất dự án có chất lượng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của tỉnh, các địa phương nơi được hưởng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Kinh nghiệm của Hải Dương là tiếp cận và vận động doanh nghiệp FDI tài trợ qua tổ chức phi chính phủ tại tỉnh; chủ động lồng ghép hoạt động đối ngoại nhân dân trong triển khai các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại địa phương…
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn, Cụm phó Cụm thi đua số 1 nhấn mạnh, qua hội nghị cho thấy vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, sự cần thiết giữa tăng cường liên kết giữa địa phương trong quá trình hoạt động góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, một số ý kiến đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tham mưu việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tổ chức, bộ máy, chức năng hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố…/.
Mạnh Minh