A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cán bộ công chức có thể thất nghiệp khi tinh gọn bộ máy, cần bảo hiểm hỗ trợ

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi bộ máy công vụ do tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

 

Sáng 7/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Việc làm. Góp ý, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá dự thảo luật cơ bản đã thể hiện được các nội dung liên quan đến việc làm như đăng ký lao động, hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp… 

Song, ông Đồng cho rằng, kết cấu dự thảo luật cần bổ sung thêm một điều về đối tượng điều chỉnh theo hướng cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng là người lao động (trong độ tuổi và kể cả ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức). 

Bảo hiểm thất nghiệp không thể bỏ quên đội ngũ cán bộ, công chức

“Bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ”, ông Đồng nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, cán bộ công chức có thể thất nghiệp khi tinh gọn bộ máy, cần bảo hiểm hỗ trợ

Cùng với đó, đại biểu đoàn Quảng Trị kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi bộ máy công vụ do tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. 

Cán bộ, công chức, viên chức cũng là nhóm cần được bổ sung vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, theo góp ý của đại biểu Hà Sỹ Đồng. 

Bởi theo ông, Luật Việc làm không thể chỉ điều chỉnh tham gia bảo hiểm thất nghiệp với người lao động mà bỏ quên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sau đó mỗi khi tinh giản biên chế, Chính phủ lại phải ban hành một nghị định về chính sách đối với những người chịu sự tác động của tinh gọn bộ máy, của tinh giản biên chế. 

Về chính sách của Nhà nước về việc làm, đại biểu Quốc hội cho rằng cần xây dựng thành một chương, chứ không chỉ là một điều trong luật.

“Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang thực hiện 3 đột phá, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài để phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới”, ông Hà Sỹ Đồng góp ý.

Chung mối quan tâm, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cũng đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp, tinh gọn bộ máy để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội hiện nay.

“Bỏ biên chế suốt đời”, công chức cần được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương), trước tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hướng tới bỏ “biên chế suốt đời”, sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Để khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”. 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương). Ảnh: P.Thắng

“Đây sẽ là bước đi chủ động của Nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới”, bà Trân nhấn mạnh.

Nội dung nữa, theo dự thảo luật, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 

Đại biểu Trân nêu trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, song chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. 

Nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, nhưng vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 

“Tôi cho rằng, với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định, nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu”, bà Trân kiến nghị.

Lưu tâm đến điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhấn mạnh, khi người lao động mất việc, dù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì người lao động đương nhiên cũng phải được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

“Họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp chỉ khi không tham gia hoặc không chấp hành đúng việc đóng, nộp bảo hiểm thất nghiệp, như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”, đại biểu Tâm nêu rõ và đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Luật Việc làm sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 11/6, ngày đầu tiên của đợt 2 kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo