Cà Mau: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
Năm 2025, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất trên tất các các lĩnh vực. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ người dân tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Cà Mau phấn đấu tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp tỉnh đạt 100%, cấp xã đạt 95%. Ảnh minh họa: Chu Tuấn
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2025. Tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể để triển khai cải cách hành chính một cách hiệu quả.
Theo đó, địa phương này phấn đấu tăng ít nhất 3 bậc vị trí xếp hạng của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) so với năm 2024.
Tiếp tục phấn đấu 100% văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được cụ thể hóa hoặc triển khai kịp thời; 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần của tỉnh được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 80% trở lên, trong đó, có 50% dịch vụ công trực tuyến được người dân tự thực hiện (không cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức); 85% hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh được công bố, công khai và cập nhật kịp thời.
Tỉnh Cà Mau phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần của tỉnh được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh minh họa: A.X
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong số đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.
Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp tỉnh đạt 100%, cấp xã đạt 95%; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó (trừ trường hợp cần thiết).
Đáng chú ý, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giảm 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tối thiểu 1,27% biên chế công chức (26 biên chế), 2,59% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập (15 đơn vị) bình quân cả tỉnh, 2,05% biên chế sự nghiệp (414 biên chế) hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2024.
Phấn đấu có thêm đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa: A.X
100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử (qua định danh điện tử VNeID). 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh và 85% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ công việc có nội dung mật). 70% hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt 90%.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với nhiều nội dung thiết thực cần phải thực hiện trong thời gian tới. Đó là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; công tác chỉ đạo, điều hành.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch này, tiến hành cập nhật, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 hoặc hợp nhất, ban hành mới kế hoạch cải cách hành chính để tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong 6 tháng cuối năm 2025 tại cơ quan, đơn vị. Thời gian hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 21/7/2025.