Bộ Tư pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực của Bộ Tư pháp được quan tâm, thực hiện đồng bộ, nề nếp. Việc quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, tiêu cực được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức. Qua đó, tạo được chuyển biến quan trọng trong công tác này.
Ngành Thanh tra Tư pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: TH
Triển khai nhiều biện pháp nhằm PCTN, tiêu cực
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2024, lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn xác định công tác PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Do đó, lãnh đạo Bộ chú trọng đề cao ý thức chủ động của từng cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN, tiêu cực, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này.
Bên cạnh đó, các hoạt động của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều được thực hiện công khai, minh bạch dưới hình thức nội quy, quy chế làm việc, thông báo, phổ biến công khai trong các cuộc họp của Bộ, của từng đơn vị và thực hiện niêm yết công khai tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc tại đơn vị.
Cũng trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn đối với 626 công chức (trong đó, 25 công chức thuộc các đơn vị thuộc bộ, 601 công chức thuộc các cơ quan thi hành án dân sự (THADS)).
Bộ cũng đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính, xếp 1/17 bộ về kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2023 và là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm 3 bộ dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính cấp bộ.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang thực hiện hiệu quả việc quản lý văn bản trên phần mềm và chữ ký số. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện chi trả tiền lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua tài khoản ngân hàng theo quy định.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp thực hiện hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; tra cứu, xác minh thông tin thông qua phần mềm tra cứu nhằm tạo thuận lợi cho công dân và hỗ trợ các Sở Tư pháp trong thực hiện thủ tục hành chính và đảm bảo thời hạn cấp phiếu lý lịch theo quy định.
Chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống THADS thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết trong lĩnh vực THADS.
“Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS, triển khai thực hiện cơ chế một cửa và thực hiện dịch vụ bưu chính công ích trong lĩnh vực THADS đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan THADS; tránh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu tại các cơ quan hành chính. Hoàn thiện hệ thống, phần mềm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính” - báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng được Bộ tiến hành đúng quy định, đúng kế hoạch. Năm 2024, Thanh tra Bộ đã tổ chức bốc thăm lựa chọn đối tượng xác minh tài sản, thu nhập. Kết quả đã bốc thăm lựa chọn được 36 người thuộc diện xác minh tài sản, thu nhập của 4 đơn vị trực thuộc Bộ và 3 Cục THADS địa phương và triển khai đầy đủ theo kế hoạch.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phát hiện 7 vụ/7 trường hợp tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được là 2,1 tỷ đồng; Bộ đã xử lý 7 công chức, trong đó xử lý trách nhiệm của người đứng đầu 2 trường hợp (kỷ luật Chi cục trưởng huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận để xẩy ra tham nhũng trong cơ quan năm 2023, nhưng năm 2024 mới xử lý kỷ luật và Chi cục trưởng huyện Chợ Lách, Bến Tre bị khởi tố tội "nhận hối lộ").
Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng
Hiện nay, các nhiệm vụ của bộ, ngành Tư pháp ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao để bắt kịp với sự phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Các hoạt động bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, THADS có tính chất ngày càng phức tạp, cùng nhiều quy trình được đặt ra. Người dân, doanh nghiệp có xu hướng muốn thực hiện công việc được nhanh chóng. Do đó, dẫn đến có thể xảy ra tình trạng lôi kéo, mua chuộc công chức có thẩm quyền thực hiện và có nguy cơ xẩy ra tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, trong thời gian tới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức, đoàn thể và vai trò của viên chức, người lao động trong công tác PCTN, tiêu cực; xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết TW3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí…
Đồng thời công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản, thu nhập; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng; chỉ đạo tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nêu cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc phạm vi cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, quản lý - xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN, tiêu cực. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN, tiêu cực và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN theo hướng chuyên sâu, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.
Thực hiện sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để đảm bảo phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đồng thời phù hợp với trình độ, chuyên môn của người được chuyển đổi.
Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào các vụ việc dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tiếp công dân định kỳ để nắm bắt các kiến nghị, phản ánh của người dân để xử lý các hành vi phiền hà, nhũng nhiễu gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!