A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ trưởng Nội vụ: Có thể cải cách tiền lương năm 2024 nếu kinh tế ổn định, phát triển

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững... thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lươn

 

Sáng 22-10, trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đề cập vấn đề tăng lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nói về vấn đề tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc.

Bộ trưởng Nội vụ: Có thể cải cách tiền lương năm 2024 nếu kinh tế ổn định, phát triển - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ sáng 22-10

Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng là hợp lý

Về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.

Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm vừa qua (2019 - 2021), đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lên nền kinh tế nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.

Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%.

"Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.

Mức tăng không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt

Đối với việc tăng lương cho người lao động ở doanh nghiệp, đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy cho biết công nhân lao động vui mừng khi được tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022. Tuy nhiên, theo vị ĐB là Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP HCM, mức tăng không đủ bù đắp chi phí sinh hoạt trong bối cảnh trượt giá. Bên cạnh đó, vấn đề giá xăng tăng, khan hiếm xăng dầu cũng khiến người lao động lo lắng.

Bộ trưởng Nội vụ: Có thể cải cách tiền lương năm 2024 nếu kinh tế ổn định, phát triển - Ảnh 2.

ĐB Trần Thi Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu tại thảo luận tổ sáng 22-10

Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, người lao động cũng lo lắng không biết Tết Nguyên đán 2023 này sẽ như thế nào, bởi Tết năm 2022 đã rất khó khăn. Khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến các chính sách cho người lao động. Vị ĐB cho biết trên thực tế năm 2022 đã xảy ra những vấn đề mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động do không bảo đảm được các chính sách trong dịp Tết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Một vấn đề đáng lo ngại khác được ĐB Thúy nêu ra là tình trạng người lao động vay tín dụng đen. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động cần chi tiêu nhiều hơn, trong khi thu nhập không đủ để đáp ứng, buộc họ phải đi vay nhưng không thể vay ở các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Họ phải tìm đến các tổ chức tài chính vi mô nếu đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện; hoặc bất chấp các hậu quả để vay tín dụng đen. "Bởi tình trạng này mà cán bộ Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị các nhóm đòi nợ "khủng bố" do người lao động cung cấp thông tin khi vay tiền" - bà Thúy nói.

"Có trường hợp đổi sim, đổi số nhưng vẫn bị truy ra. Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ mặt trái của tín dụng đen, nên cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người lao động" - vị ĐB là Chủ tịch LĐLĐ TP HCM kiến nghị.

Đối với vấn đề cán bộ, công chức, viên chức rời bỏ khu vực công thời gian qua, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng lý do trước hết khiến họ rời bỏ khu vực công không hẳn là vì thu nhập, mà vì áp lực công việc mà nhóm công chức, viên chức này phải chịu đang là rất lớn.

Hiện nay, với sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật không giúp cho cán bộ, công chức phục vụ người dân tốt hơn. Ngược lại, còn gây áp lực cho đội ngũ này, thậm chí nhiều người sợ sai khi áp dụng pháp luật.

Đối với lộ trình tăng lương cơ sở, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đồng tình với phương án tăng lên 1,8 triệu đồng, tuy nhiên đề xuất triển khai sớm hơn, từ 1-1-2023.

Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc

Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tính từ thời điểm từ 1-1-2020 đến 30-6-2022 theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Trong đó chủ yếu là viên chức chiếm tỉ lệ đa số, còn công chức chỉ chiếm 1,63%. Cụ thể, số công chức có hơn 4.000 người, còn viên chức là 35.523 người, chiếm 1,98%.

Số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Với ngành giáo dục, 2,5 năm qua số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm 60%; còn ngành y tế có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỉ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%, trong đó độ tuổi dưới 40 trở xuống là 74,72% và có trình độ đại học trở lên là 56,27%.

"Số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022. Việc nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt các nơi có khu công nghiệp, chế xuất lớn như TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Còn các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên số lượng nhỏ" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.


Tác giả: Theo Văn Duẩn - Minh Chiến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: media-booking@carvill-vietnam.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo