Bình Phước: Bất cập trong quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
Kết luận của Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc không thực hiện các quy định về quản lý tài sản công.
Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp xử lý đối với từng cơ quan, đơn vị được thanh tra. Ảnh: Thu Huyền
Bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng
Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước đã ban hành Kết luận thanh tra số 04/KL-T.Tr ngày 4/4/2025 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Theo kết luận thanh tra, thực hiện Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Bình Phước là chủ đầu tư dự án và giao các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng 42 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (có 3/42 công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư). Tổng mức đầu tư 39/42 công trình là 266.228.789.993 đồng.
Về công tác quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, kết luận của Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước đã chỉ ra một số thiếu sót, bất cập.
Cụ thể, đối với công trình giao UBND cấp xã quản lý, sử dụng và khai thác, hồ sơ công trình không còn hoặc không đầy đủ; không thực hiện các quy định về quản lý tài sản công (chỉ có công trình xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp đến năm 2023 đã mở sổ theo dõi tài sản công, tài sản cố định).
Cán bộ được phân công quản lý, vận hành kiêm nhiệm, chủ yếu chưa qua đào tạo tập huấn, không có chuyên môn, thường xuyên thay đổi, khi công trình gặp sự cố hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời dẫn đến công trình bị hư hỏng nặng, lâu ngày xuống cấp dẫn đến ngừng hoạt động; có một số công trình mang tính chất duy trì và cấp nước cho khu hành chính UBND xã là chủ yếu.
Theo kết luận thanh tra, với tâm lý cho rằng các công trình bàn giao cho UBND cấp xã là đơn vị thụ hưởng, không phải thực hiện các bước theo quy định của pháp luật; khi công trình ngừng hoạt động, UBND cấp xã không có kinh phí sửa chữa và không có biện pháp khắc phục hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó là việc khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ là chủ đầu tư và đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực chuyên môn là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình bàn giao công trình không thực hiện việc hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng các quy định.
Có 12 công trình ngừng hoạt động, 2 công trình chưa hoạt động
Thực tế cho thấy, trong các công trình giao cho đơn vị cấp xã quản lý, sử dụng và khai thác, có 12 công trình ngừng hoạt động, do năng lực cán bộ quản lý vận hành UBND cấp xã thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Việc thu tiền nước không đủ chi, không có kinh phí bảo trì công trình dẫn đến quá trình khai thác, công trình hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa.
Kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước. Ảnh: Thu Huyền
Mặt khác, có công trình xuống cấp, hư hỏng được sửa chữa (thời điểm sửa chữa đang vào giai đoạn hạn hán, thiếu nước trầm trọng nên các hộ dân chủ động khoan giếng lấy nước phục vụ cho sinh hoạt), khi công trình sửa chữa hoàn thành, UBND xã có thông báo và vận động các hộ đăng ký sử dụng nước, rất ít hộ dân có nhu cầu sử dụng, nên công trình không thể vận hành.
Trách nhiệm này thuộc về UBND cấp xã giai đoạn từ khi nhận bàn giao công trình để quản lý, sử dụng và khai thác đến khi công trình ngừng hoạt động.
Kết luận thanh tra nêu rõ: “Như vậy, công tác tham mưu UBND tỉnh phương án giao công trình để quản lý, sử dụng và khai thác chưa đạt hiệu quả đối với mô hình giao UBND cấp xã quản lý và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhìn nhận được khuyết điểm, có hướng đề xuất khắc phục nhược điểm của mô hình này nhưng chưa tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện để hạn chế tình trạng đang tồn tại trong nhiều năm qua là chưa thực hiện tốt trong công tác quản lý Nhà nước”.
Đối với công trình giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, sử dụng và khai thác, có 2 công trình chưa đi vào hoạt động là do 2 công trình này xây dựng trong Khu tái định cư thuộc Dự án Thủy lợi Phước Hòa, được xây dựng theo quy định của Luật Đất đai quy định về thực hiện dự án tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án, nhưng khu tái định cư chưa có người dân đến sinh sống.
Trên cơ sở những kết luận về các nội dung đã tiến hành thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Phước kết luận và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp xử lý đối với từng cơ quan, đơn vị được thanh tra, trong đó có Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước và UBND các huyện, thị xã: Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú.