A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

ĐHĐCĐ VPBank: Chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, mục tiêu tăng lợi nhuận gấp đôi trong năm 2024

Sáng 29/04, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 để thảo luận, phê duyệt các tờ trình như kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức tiền mặt cho năm 2023, triển khai chương trình ESOP, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ VPbank (Ảnh: LP)

Tại Đại hội, tính đến 9h sáng 29/04, ĐHĐCĐ VPBank có sự tham dự của 180 cổ đông, đại diện cho hơn 6,52 tỷ cổ phần, tương đương 81,93% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã đủ điều kiện tiến hành.

Phát biểu tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đánh giá những yếu tố khách quan từ sự phục hồi yếu của nền kinh tế, ba cuộc khủng hoảng của thị trường là thanh khoản, trái phiếu và thị trường bất động sản đã tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng.

Ông cho biết tăng trưởng tín dụng của các phân khúc chiến lược của VPBank đã không đạt như kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của FE Credit gặp nhiều khó khăn, gia tăng áp lực lên chất lượng tài sản cùng với thách thức của thị trường BĐS ảnh hưởng đến chi phí dự phòng; chi phí vốn tăng cao.

Đại hội đã thông qua mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.

VPBank cũng đưa ra mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản mức 19%, đạt 974,270 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến 598,864 tỷ đồng, tăng 22%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến 25%, tương ứng dư nợ cấp tín dụng đạt 752,104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 3%.

Chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP

Ngân hàng dự kiến chi khoảng 7.900 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện dự kiến quý II hoặc quý III năm nay. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng cổ tức. Thời gian cụ thể sẽ do HĐQT quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của Ngân hàng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại VPBank gần 419 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. 

Bên cạnh đó, VPBank cũng đã trình Đại hội phương án phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp. Đối tượng tham gia là cán bộ nhân viên VPBank và các công ty con theo tiêu chí và danh sách do HĐQT quyết định. Các thành viên HĐQT không điều hành không được mua.

Nhận chuyển giao bắt buộc một Tổ chức tín dụng

Một nội dung khác tại đại hội là trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) là một ngân hàng thương mại. Theo đó, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của TCTD không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank làm chủ sở hữu. Việc thực hiện được lên kế hoạch trong năm 2024 hoặc quý I/2025. Toàn bộ số tiền thu về từ phương án này sẽ được dùng để cấp tín dụng cho các phương án, dự án,... đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội đủ điều kiện theo Khung trái phiếu Bền vững của ngân hàng.

Ngoài ra, VPBank cũng dự kiến sẽ thành lập một chi nhánh, ngân hàng con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài (Nhật Bản).

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT

Đại hội cũng đã bầu thêm hai thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto (đại diện từ SMBC) và bà Phạm Thị Nhung (sinh năm 1980) - hiện là Phó TGĐ thường trực kiêm Giám đốc Khối quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại.

Như vậy, Hội đồng Quản trị VPBank sẽ có 7 thành viên, gồm ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch; ông Lô Bằng Giang – Phó Chủ tịch. Các thành viên bao gồm ông Nguyễn Đức Vinh (kiêm Tổng Giám đốc), bà Phạm Thị Nhung (kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực) và ông Takeshi Kimoto đại diện cho cổ đông chiến lược SMBC. Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập là ông Nguyễn Văn Phúc.

Ông Takeshi Kimoto (đại diện từ SMBC) và bà Phạm Thị Nhung được bầu vào thành viên HĐQT VPBank. (Ảnh: VPBank).

Thảo luận:

Xin ban lãnh đạo cho biết việc trả cổ tức 5 năm tới như thế nào?

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank: Trước đó, chúng tôi khẳng định VPBank sẽ chia cổ tức trong 5 năm liên tiếp và Ngân hàng đã thực hiện vào năm ngoái và năm nay đề xuất chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%. VPBank từng có 12 năm liền không chia cổ tức và cũng là sự kiên trì nhằm đạt vốn chủ sở hữu Ngân hàng ở mức cao. Thời điểm này, chúng ta đã đạt được tích lũy như mong muốn, trong thời gian tới sẽ duy trì và đảm bảo, đây là cơ sở đề xuất chia cổ tức 10% các năm tiếp theo.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 là khá tham vọng, trong đó có FE Credit lãi 1.200 tỷ. Đâu sẽ là động lực để đạt được mức tăng trưởng này? Đối tác SMBC đã giúp gì cho VPbank và sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì cho FE Credit tăng trưởng trở lại?

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: FE Credit hiện nay có 49% vốn của SMBC, 50% là VPBank. Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng. Mặc dù có 16 CTTC tiêu dùng nhưng việc đáp ứng nhu cầu vẫn còn thiếu. Tuy nhiên do ảnh hưởng khó khăn trong năm 2023, hầu hết các công ty đều sụt giảm thu nhập. FE Credit có quy mô lớn nhất nên phải gánh chịu nhiều nhất.

Trong hai năm qua tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng còn chưa đầy đủ bởi sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Mặt trái của một số biện pháp siết nợ của tín dụng đen khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả.

Về mặt hỗ trợ, hai bên đã hống nhất với nhau những gì VPBank đang tạm coi là tốt nhất thì SMBC tập trung hỗ trợ những điểm Ngân hàng muốn nhưng nội lực chưa làm được, ví dụ trong năng lực vốn. Thứ hai là các doanh nghiệp FDI, Việt Nam là môi trường đầu tư, sản xuất tốt nhưng năng lực không phải Ngân hàng nào cũng đáp ứng, phục vụ cho nhóm khách hàng nhà đầu tư nước ngoài. VPBank tin rằng vơi sự hỗ trợ SMBC, Ngân hàng sẽ tham gia vào lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn nhiều năm nay chưa có cơ hội được làm nhiều.

Sự hỗ trợ VPBank với FE Credit gồm hệ thống, nhân sự, chiến lược,...và quan trọng là về vốn. Nhằm tạo ra chi phí vốn (COF) thấp hơn. Trong một năm qua chúng tôi đã đưa 9 -11% xuống 6 -7%, cao hơn COF các ngân hàng nhưng ở mức thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Cho phép FE nhắm vào khách hàng có mức độ rủi ro thấp hơn.

Dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ, còn hiện tại phải đa dạng hoá các mảng kinh doanh, hạn chế phụ thuộc vào tài chính tiêu dùng.

Ngân hàng đặt mục tiêu xử lý nợ xấu ra sao trong năm 2024, mức chi phí dự phòng dự kiến là bao nhiêu?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Quý I/2024, tình hình nợ xấu có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Năm nay chúng tôi đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Dự phòng trong năm 2023 là 12.500 tỷ trong đó dự phòng cho KHCN là 8.000 tỷ. Trong năm 2023, VPBank đã thu về 2.000 tỷ từ thu hồi nợ xấu.

Dự kiến trong năm 2024, VPbank sẽ trích lập 13.500 tỷ dự phòng rủi ro, thu hồi từ các khoản nợ xấu là 3.000 tỷ.

Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu giảm dần vào các tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025, hi vọng lúc đó sẽ thu hồi nợ xấu tốt hơn và giảm dự phòng tài chính. Trong trường hợp làm tốt hơn, thì số tiết kiệm dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai.

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: Xu hướng nợ xấu ảnh hưởng từ thị trường nhưng cũng phần lớn là ảnh hướng từ CIC, là xu hướng rộng rãi trên thị trường. Trong năm 2023, tỷ trọng nợ liên đới CIC chiếm khoảng 40% và có thể tiếp tục tăng lên 50%.  

Đánh giá về thị trường BĐS? 

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Cho vay BĐS là lĩnh vực tiềm năng tuy nhiên trong thời gian qua chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng chúng tôi phân biệt rất rõ giữa sản phẩm chung cư thông thường và sản phẩm có tính đầu cơ cao thì chúng tôi không tài trợ. Tôi đánh giá BĐS vẫn là ngành đáng quan tâm, nếu chúng ta phân tích và đánh giá đúng.

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: Nhóm bất động sản thì tôi đánh giá là ngành tiềm năng, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng nhưng cần kiểm soát chặt, được hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, tập trung phân khúc có nhu cầu mua thực/ở thực. 

Tỷ trọng cho vay nằm ở nhóm một số nhóm như nhóm dự án cho vay xây dựng theo định nghĩa của NHNN (19%), cho vay mua nhà khoảng 16%. Tổng cộng lại khoảng 34-35%, tổng dư nợ cho vay mua nhà khoảng 90.000 tỷ đồng, năm vừa qua có sụt giảm nhẹ. Nhưng đây là vay với nhu cầu thực, không giống nhóm BĐS cao cấp với yếu tố đầu cơ cao. 

VPBank là một trong ba ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất trên thị trường. Cho vay mua nhà vẫn là mảng quan trọng của VPBank trong năm nay.  Khi có vấn đề thì dư nợ BĐS dễ gặp khó khăn nhưng nợ BĐS cũng là nợ có khả năng xử lý cao nhất, hiện thu được gần như 100% gốc khi thị trường phục hồi, lãi cũng thu hồi 50 - 70%. Tỷ lệ mất thật của lĩnh vực này thấp hơn lĩnh vực khác nhiều.

 Nguyên nhân sụt giảm NIM?

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: NIM của VPBank đã chịu xu hướng giảm từ 5,5-5,6% về 4,4%. Tuy nhiên, NIM đã tăng dần ngay từ quý I/2024, dự kiến năm nay sẽ tiếp tục tăng nhưng không phải nhờ tăng lãi suất đầu ra mà do tối ưu lại chi phí. Trong năm nay, lãi suất sẽ ở mức gần như rất thấp, NIM kỳ vọng phục hồi lên 4,9-5%.

 Chia sẻ về hoạt động bancas?

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: Năm vừa qua hoạt động bancas tại các ngân hàng đều giảm sút nhưng đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng. Trong năm nay bancas với AIA sẽ không tăng nhưng phần phi nhân thọ lại có cơ hội tăng với sự xuất hiện của OPES mang lại thu nhập bổ sung cho ngân hàng.

Tại sao VPBank lại tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Về mặt năng lực tài chính, quản trị không phải Ngân hàng nào cũng tái cơ cấu được. Dưới góc độ tài chính, những tổ chức tín dụng yếu kém phải chuyển giao bắt buộc có lỗ lũy kế lớn và sẽ tiếp tục lỗ, hầu hết các ngân hàng sẽ không thiết tha gì đi tái cơ cấu những tổ chức này. Đối với trường hợp VPBank đặc biệt với sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC.

Việc tham gia tái cơ cấu góc độ tài chính không mang lại gì nhưng sẽ được ở một số điểm chính như  tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn trung bình ngành; cùng với việc mở room nước ngoài lên cao hơn mức thông thường (30%). Hơn nữa, về chiến lược và cơ chế chính sách VPBank tham gia là phù hợp. Cùng với đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tốt hơn.

Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo