Các nước ASEAN đón nhận cơ hội mới từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Các công ty đa quốc gia đang đối mặt với tình trạng chuỗi cung ứng bất ổn do biến động địa chính trị toàn cầu và Đông Nam Á hiện đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc.
Đây là nhận định của ông Kazutoshi Tominaga, Giám đốc điều hành về lĩnh vực công nghiệp của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ông Hitesh Tak, Giám đốc điều hành về hàng hóa công nghiệp của tập đoàn BCG khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo các công ty đa quốc gia cũng đang đánh giá lại khu vực nào sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn BCG, khoảng 90% các nhà sản xuất trên toàn cầu đang xác định lại nguồn cung ứng trong 5 năm tới. Về mặt dài hạn, các công ty có khả năng phục hồi hoạt động tốt hơn gấp đôi về mặt tổng lợi nhuận so với các công ty còn lại.
Ngoài ra, việc chuỗi cung ứng ổn định cũng sẽ giúp các công ty đảm bảo tính bền vững trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cắt giảm được chi phí sản xuất từ 20% - 50%.
Với việc các công ty đang tìm cách quản lý lại chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro, Malaysia có thể đạt được lợi ích đáng kể trong hệ sinh thái đang phát triển này, với các cơ hội đầu tư mới.
Đông Nam Á – trung tâm sản xuất mới của toàn cầu
Đông Nam Á hiện là khu vực thu hút vốn đầu tư hấp dẫn do khả năng cạnh tranh về chí phí thấp. Với ưu thế có số lượng lớn lao động lành nghề và nhận mức lương thấp, tập đoàn tư vấn BCG cho rằng ngay cả khi chi phí vận chuyển, hậu cần và thuế quan tăng thì chi phí sản xuất cơ bản ở khu vực Đông Nam Á vẫn thấp hơn 15% so với Trung Quốc.
Đông Nam Á hiện đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, với xuất khẩu sang Mỹ tăng 65% kể từ năm 2018 đến năm 2022. Vào cùng giai đoạn đó, Mỹ giảm 10% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiêu dùng nội địa ở khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2031.
Ngoài ra, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực được dự đoán sẽ tạo ra một thị trường nội khối rộng lớn sau khi ước đạt khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2022, qua đó tỷ lệ hộ gia đình trung lưu dự kiến sẽ đạt 84% dân số vào năm 2031.
Ở cấp độ khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ ngành sản xuất trong những năm gần đây, với các biện pháp tăng cường thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên. Các thành viên ASEAN cũng mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, giao thông và kỹ thuật số.
Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan, dự án đường sắt Singapore-Côn Minh và Mạng lưới đường cao tốc ASEAN đều là những ví dụ điển hình về hệ sinh thái đang phát triển này. Đây là những sáng kiến được thực hiện theo Kế hoạch chi tiết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, qua đó xây dựng một nền kinh tế khu vực hội nhập sâu rộng, với việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hang hóa và giao lưu nhân dân.
Các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường chiếm 40% GDP toàn cầu. Giá trị gia tăng của ngành sản xuất ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp đôi, đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2028, so với 748 tỷ USD vào năm 2022.
Ngành sản xuất dự kiến có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11%, qua đó trở thành khu vực dẫn đầu trên toàn cầu, vượt xa các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ (8,4%), Trung Quốc (3,6%) và Mexico (Mê-hi-cô, 3,3%). Ngoài ra, thương mại tích lũy của ASEAN được dự báo sẽ tăng 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới.
Cơ hội phát triển của ngành sản xuất ở Malaysia
Thị trường sản xuất của Đông Nam Á có sự đa dạng trên nhiều lĩnh vực, với 6 quốc gia chủ chốt gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mặc dù có nhiều cơ hội phát triển cho ngành sản xuất, các doanh nghiệp ở Malaysia cần thận trọng, có chiến lược đúng đắn để tận dụng được những điều kiện thuận lợi này, qua đó góp phần mang lại lợi ích và giải quyết những khó khăn chung của đất nước.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia đã tăng nhanh trong những năm gần đây, đạt tốc độ CAGR khoảng 34% từ năm 2015 đến năm 2021. Tỷ lệ FDI so với GDP của Malaysia trong giai đoạn 2015–2019 cao hơn so với nước láng giềng Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trong khu vực ASEAN, chỉ có Việt Nam và Singapore có chỉ số tốt hơn trong giai đoạn này.
Malaysia đứng thứ 8 trong Chỉ số chất lượng lực lượng lao động do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, với lực lượng lao động đa văn hóa, hơn một nửa dân số nói tiếng Anh và hơn 1/4 thông thạo tiếng Trung Quốc.
Chi phí sản xuất ở Malayisa hiện thấp hơn 10 – 15% so với Trung Quốc, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng hoàn thiện, bao gồm hơn 140.000 km mạng lưới đường bộ nối với phía Thái Lan ở phía Bắc và Singapore ở phía Nam. Malaysia có 3 khu vực sản xuất chính gồm Penang – Kedah, Kuala Lumpur – Selangor và Johor, chiếm 76% công suất sản xuất và thu hút 69% vốn đầu tư.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi, Malaysia cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới của Viện quản lý quốc tế (IMD) của Thụy Sỹ, từ năm 2015 – 2021, Malaysia đã giảm 11 bậc, xuống vị trí thứ 25. Nguyên nhân chính là do Malaysa có quy mô thị trường tương đối nhỏ, chỉ khoảng 33,5 triệu người tiêu dùng.
Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Malaysia đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ đầu tư và sản xuất. Các chiến lược chính bao gồm:
- Mục tiêu Đầu tư Quốc gia (NIA) nhằm tìm cách thu hút đầu tư, qua đó thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, đảm bảo vị thế và uy tín của Malaysia trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. NIA có 5 trụ cột như tăng cường độ phức tạp của nền kinh tế, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, phát triển các cụm kinh tế mới, tăng cường liên kết ở trong nước, cải thiện tính bao trùm của nền kinh tế. Ngoài ra, NIA cũng hỗ trợ Chính sách đầu tư mới của Malaysia, nhằm mục đích củng cố và phát triển hệ sinh thái tăng trưởng dựa trên giá trị cao.
Chiến lược này đồng thời đảm bảo rằng các chính sách đầu tư trong tương lai hướng tới mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. NIA cũng đặt mục tiêu giải quyết các thách thức và thúc đẩy đầu tư theo ngành nghề cụ thể, ban đầu sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực điện và điện tử (E&E), kinh tế số và dược phẩm. Giai đoạn hai sẽ hỗ trợ thêm cho ngành công nghiệp hóa chất và hàng không vũ trụ.
- Các chiến lược chính bao gồm Chính sách Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (N4IRP) và Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) tiếp tục củng cố mục tiêu hỗ trợ ngành sản xuất. Kế hoạch NIMP 2030 đặt mục tiêu gia tăng tốc độ tăng trưởng kép của ngành sản xuất đạt 6,5%, với mục tiêu lên 587,5 tỷ ringgit vào năm 2030, tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất từ 2,7 triệu vào năm 2022 lên 3,3 triệu vào năm 2030, tăng lương trung bình từ 1.976 ringgit trong năm 2021 lên 4.510 ringgit vào năm 2030.
Đông Nam Á tiếp tục là điểm đến thu hút đầu tư nhờ các quốc gia trong khu vực thúc đẩy chính sách phát triển ngành sản xuất. Malaysia đã đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này và hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn cầu.