TOP 10 tỉnh thành 'hút' vốn FDI trong 3 tháng đầu năm: Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai... đều không lọt danh sách này
Bình Dương đứng đầu cả nước về vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép, với vốn đăng ký khoảng 1621,1 triệu USD, cùng 14 dự án.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.
Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 626,6 triệu USD, chiếm 19,5%; Trung Quốc 379,5 triệu USD, chiếm 11,8%; Đài Loan (Trung Quốc) 219,9 triệu USD, chiếm 6,8%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 191,7 triệu USD, chiếm 6%.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,71 tỷ USD, chiếm 23,5%; các ngành còn lại đạt 569,6 triệu USD, chiếm 7,8%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 341 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 819,7 triệu USD và 393 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 811,4 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 992,9 triệu USD, chiếm 60,9% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 300,6 triệu USD, chiếm 18,4%; ngành còn lại 337,7 triệu USD, chiếm 20,7%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
https://cafef.vn/top-10-tinh-thanh-hut-von-fdi-trong-3-thang-dau-nam-ha-noi-bac-ninh-dong-nai-deu-khong-lot-danh-sach-nay-20220329115132657.chn