A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thúc đẩy vai trò của HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Các Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP ở Nghệ An, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 253 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 249 sản phẩm mới và 44 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 của cả nước (sau thành phố Hà Nội và Quảng Ninh).

Đạt được kết quả trên là nhờ sự đóng góp không nhỏ của kinh tế tập thể và các HTX. Trong 145 chủ thể tham gia đánh giá xếp hạng thì có 47 chủ thể là HTX và 20 tổ hợp tác (chiếm 33% sản phẩm toàn tỉnh). Nhiều HTX đã bắt tay trao đổi thông tin, chia sẻ sáng kiến và sử dụng sản phẩm của nhau…

Một số HTX hiện đang tích cực tham gia hợp tác, liên kết trong các khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phải kể đến như: HTX Nông nghiệp Diễn Phong, HTX Sản xuất cam sạch tổng đội Thanh Đức, HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất & chế biến chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến…

Gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho rằng, hiện nay, số lượng HTX ở địa phương này tham gia hợp tác, liên kết chưa nhiều, chỉ có 30/637 HTX tham gia liên kết (chiếm 0.04%) và 21,05% giá trị sản xuất nông nghiệp theo hình thức hợp tác, liên kết.

Việc hợp tác, liên kết sản xuất ở các HTX còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm chủ yếu bán thô khiến chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc góp đất, thuê đất để sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn, mối liên kết 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong thời gian qua chưa thực sự chặt chẽ và phối hợp thiếu nhịp nhàng.

Để liên kết có hiệu quả đòi hỏi các HTX và người nông dân phải có kiến thức nhất định và phải biết mình đã có cái gì và còn thiếu cái gì. Từ đó đề ra mục đích hợp tác liên kết phải lựa chọn (công nghệ, ngành hàng, doanh nghiệp), các tiêu chí đánh giá và lựa chọn đối tác phù hợp.

Đồng thời phải hiểu rõ về tiềm lực và kể cả tính đến rủi ro (trước, trong, sau) khi hợp tác liên kết. Chú trọng các nguyên tắc trong hợp tác liên kết, nắm bắt thông tin về thị trường trong nước và xuất khẩu một cách đầy đủ cả về (số lượng, chất lượng, phương thức và thời gian giao hàng)…

Theo ông Lâm, các HTX hiện nay đang gặp khó khăn trong khâu tiếp cận các nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh, sản xuất và đặc biệt là thiếu là thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, các HTX cần liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài để tiếp cận nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào sản xuất và chế biến.

Ví dụ cho sự liên kết thành công này là trường hợp của một số HTX nông nghiệp ở xã Diễn Phong (huyện Diễn Châu), xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương), xã Tân-Thượng-Lộc (huyện Nam Đàn)…

Nhờ liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất khoai tây trắng (khoai tây Atlantic) mà các thành viên trong HTX được cung cấp nguồn giống, thiết bị máy móc, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai tây. Bước vào vụ thu hoạch, nông dân được Công ty Orion Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định. Chỉ trong khoảng 90 ngày, nông dân có thể thu về từ 13- 15 triệu đồng/sào.

Công ty Orion Việt Nam thu mua khoai tây của nông dân huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Ông Lâm cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc sản xuất đã khó việc tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn. Để tiêu thụ được sản phẩm các HTX phải tiếp tục liên kết theo chuỗi giá trị, hoàn thiện sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng, hạ giá thành sản phẩm từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của mình

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, mở rộng thị trường, các địa phương, HTX, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh phải đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tham gia các hoạt động giao thương.

Ký kết với cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương và trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử, các điểm du lịch trong tỉnh. Tổ chức bán hàng qua mạng online, chủ động livestream giới thiệu mua bán hàng trực tuyến.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Giấy phép hoạt động số 4171/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 30/08/2019

Giấy phép sửa đổi số 3928/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 02/12/2020

Giấy phép sửa đổi số 3305/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 08/11/2022

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Thanh Hà

ĐT: 024 62541423

Công ty TNHH Carvill Việt Nam

Tầng 5, Tòa nhà VIT Tower 519 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, 

Quận Ba Đình, Hà Nội

Email: carvillvn.info@gmail.com

Website: http://carvill-vietnam.com

Báo giá quảng cáo