Vẫn thu về 700 triệu USD mỗi năm từ bán tôm dù xuất sang Mỹ giảm mạnh, Minh Phú kiếm tiền từ những thị trường nào?
Bắc Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Minh Phú với doanh thu hồi phục lên 5.880 tỷ. Trở lại thời "hoàng kim" 2018 - 2019, khu vực này đem lại cho "vua tôm" hơn 8.000 tỷ mỗi năm.
Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cao hơn các năm 2019 với 3,4 tỷ USD, năm 2020 với 3,7 tỷ USD, năm 2021 với 3,9 tỷ USD.
Là đơn vị đi đầu trong ngành tôm, từ gia hóa, sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) hay còn được gọi là "Vua tôm" Minh Phú cho biết, năm 2022, công ty đạt doanh thu xuất khẩu 16.097 tỷ đồng (khoảng 680 triệu USD) - chính thức trở lại ngưỡng 16.000 tỷ sau 2 năm kết quả sụt giảm do xuất khẩu bị gián đoạn.
Xét theo khu vực địa lý, năm 2022, Bắc Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Minh Phú với doanh thu hồi phục lên 5.880 tỷ. Trở lại thời "hoàng kim" 2018 - 2019, khu vực này đem lại cho "vua tôm" hơn 8.000 tỷ mỗi năm.
Hàn Quốc - cũng là một thị trường trọng yếu thu về hơn 800 tỷ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Các địa bàn khác bao gồm Nga, Trung Quốc, Úc, New Zealand đem về cho tập đoàn tổng cộng hơn 2.700 tỷ đồng. Nhìn chung xét theo bộ phận thì doanh thu từ thị trường Việt Nam vẫn rất "nhỏ bé'' (đạt hơn 300 tỷ).
Song nếu xét về tỷ trọng thì mức đóng góp vào tổng doanh thu từ thị trường Bắc Mỹ năm 2022 lại chứng kiến mức thấp nhất kể từ 2017. Trái ngược, tỷ trọng đóng góp vào doanh thu từ thị trường châu Âu có chiều hướng nâng cao.
Mitsui & Co - một trong những đối tác quan trọng tại thị trường Nhật - hiện nắm giữ 35% cổ phần của Minh Phú.
Theo Báo cáo thường niên năm 2021, Minh Phú phấn đấu và có chiến lược đến năm 2045 sẽ đạt 25% thị phần tôm thế giới.
Cơ hội nào cho xuất khẩu tôm năm 2023?
Mặc dù đạt con số rất lớn trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).
Đáng chú ý là giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.
Với riêng các thị trường nhập khẩu, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ dự báo chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.
Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này sẽ chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. Chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2 năm 2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Điều này cũng thấy rõ, khi giá trị xuất khẩu tôm trong những tháng gần đây, nhất là tháng 2/2023 chỉ đạt 251 triệu USD, giảm mạnh với con số giảm 54,9%.
Theo Tổng cục thuỷ sản, doanh nghiệp cần duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng phân khúc thị trường, sản phẩm… thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo. Các doanh nghiệp nên sớm chuyển hướng sang thị trường gần để giảm chi phí vận chuyển, góp phần giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh, giúp tiêu thụ được tốt hơn.