Huế thu hút hơn 27.700 tỷ đồng đầu tư trong 6 tháng
6 tháng qua, thành phố Huế chứng kiến hàng loạt dự án trọng điểm được khởi công, động thổ và đưa vào vận hành, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng giúp thu hút nhiều dự án quy mô lớn và chất lượng cao.
Theo thông tin từ UBND TP. Huế, 6 tháng qua, Thành phố đã cấp mới 19 dự án và điều chỉnh tăng, giảm vốn cho 7 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên 27.724 tỷ đồng. Trong đó, ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp có 9 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 6.313,3 tỷ đồng, bao gồm 3 dự án FDI với tổng vốn 18,68 triệu USD (khoảng 470 tỷ đồng).
Đáng chú ý, Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế đã được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 21.000 tỷ đồng trở thành điểm nhấn trong tổng thể các hoạt động thu hút đầu tư của địa phương năm nay.
Cùng với đó, TP. Huế chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn trên 1.600 tỷ đồng, tiếp tục mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và dân sinh.
Những khó khăn, vướng mắc cũng đang được Thành phố tập trung tháo gỡ. Hàng loạt dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đơn cử các dự án: Nhà máy Chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza, Nhà máy Sản xuất kính hoa tiêu trắng Đạt Phương, Trung tâm Logistics Chân Mây, 2 Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị An Vân Dương, Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite... với tổng mức đầu tư ước khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trên địa bàn TP. Huế đã có một số dự án hoàn thành và đi vào hoạt động trong nửa đầu năm nay như Nhà máy Kanglongda, Nhà máy Sản xuất keo, chất kết dính và các sản phẩm nhựa của Okura Industrial Co.,Ltd... góp phần gia tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, Dự án Tổ hợp giáo dục FPT Huế đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ đi vào vận hành trong tháng 8/2025.
TP. Huế đang tập trung rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ. Kết quả bước đầu cho thấy, đã có 8 dự án được khắc phục và đi vào hoạt động trở lại. Đối với các dự án không còn khả năng triển khai, Thành phố đang thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 dự án được rà soát đề xuất chấm dứt hoạt động, trong đó Dự án Khu quần thể sân golf Huế đã chính thức kết thúc triển khai.
Song song với việc kiểm tra, rà soát trong nước, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Thành phố ra thị trường quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, cử các đoàn công tác tham gia chương trình quảng bá địa phương tại Cộng hòa Séc, tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với tỉnh Nara (Nhật Bản) và đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 14.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, TP. Huế đã có 461 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.408,6 tỷ đồng, tăng 29,4% về số lượng và tăng 144% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 200 đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, Thành phố ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động đang có xu hướng tăng. Đến thời điểm hiện tại, có 609 doanh nghiệp tạm ngưng, tăng 106 doanh nghiệp so với cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể tự nguyện là 73. Trong bối cảnh đó, TP. Huế đang tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, hỗ trợ gần 6.000 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thông tin đăng ký địa danh theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội.