Thị trường hồi phục mạnh, khối ngoại giảm tốc mua ròng
Trong một tháng trở lại đây, khối ngoại đã mua ròng lên đến 18.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng nhẹ trong 2 phiên và đang có chuỗi 18 phiên mua ròng liên tiếp.
Thời gian gần đây, giao dịch của khối ngoại bất ngờ trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán sau giai đoạn có phần lép vế trước làn sóng nhà đầu tư trong nước. Sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần không nhỏ giúp thị trường hồi phục nhanh chóng từ đáy 2 năm hồi giữa tháng 11.
Theo thống kê, khối ngoại đã mua ròng lên đến 18.700 tỷ đồng trong một tháng trở lại đây. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng nhẹ trong 2 phiên và đang có chuỗi 18 phiên mua ròng liên tiếp. Lực mua rất quyết đoán với giá trị mua ròng nhiều phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những giai đoạn khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Không loại trừ khả năng, sự rút đi của dòng tiền được đồn đoán mang tên P-Notes (Participatory Notes) làm một trong những nguyên nhân khiến lực mua của khối ngoại “hụt hơi”. Đây là dòng tiền khó lường và tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn và thường được cho là mang tính đầu cơ cao.
Trong một nhận định vào đầu tháng 12, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho biết là P - Notes thường vào ở những thời điểm thị trường trông rất yếu, thanh khoản lẹt đẹt hoặc sau đoạn vừa giảm mạnh. “Hiện tại dòng vốn này có thể đã vào đâu đó khoảng 2 tuần và theo dự đoán chủ quan dòng vốn này sẽ còn kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 12” – chuyên gia nhận định.
Dù vậy, sự chững lại của khối ngoại trong một vài phiên cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định về bất kỳ xu hướng nào. Ngay cả khi dòng tiền P-Notes thực sự rút đi cũng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng lớn. Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ ngoại chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital, dòng vốn ngoại vẫn đang “ồ ạt” đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF.
Tính từ đầu tháng 11, 6 quỹ ETF lớn trên thị trường đã hút ròng hơn 11.300 tỷ đồng qua đó nâng tổng giá trị dòng vốn vào từ đầu năm lên gần 21.000 tỷ đồng. Hầu hết các ETF đều hút tiền trong đó nổi bật là Fubon FTSE Vietnam ETF và DCVFM VNDiamond ETF với giá trị hút ròng lần lượt 11.500 tỷ và 7.100 tỷ đồng.
Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn 5 tỷ TWD (~160 triệu USD), tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Quỹ đã tiến hành gọi vốn từ ngày 29/11 và lập tức giải ngân hàng trăm tỷ đồng mua cổ phiếu Việt Nam ngay sau đó.
Đánh giá về TTCK Việt Nam, Dragon Capital cho rằng, có khả năng đỉnh điểm của sự bi quan đã qua khi Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, áp lực bán giải chấp giảm mạnh, và Trung Quốc sắp mở cửa trở lại.
Về mặt dài hạn, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ban ngành cần ban hành một Nghị định để điều chỉnh các nghị định liên quan đối với thị trường cổ phiếu, chứng khoán và bất động sản. Các biện pháp trên, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công đang được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản trong nước và tạo nền tảng ổn định để duy trì đà tăng trưởng vững chắc trong dài hạn.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng cho rằng, những ngày giông bão mà TTCK Việt Nam vừa trải qua sẽ mang lại triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm tới. “Niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đi theo lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong 12 tháng tới. Trong số các nước ASEAN, triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Việt Nam là mạnh mẽ nhất ” , người đứng đầu PYN Elite Fund nhấn mạnh.