Những gì khó khăn nhất đã "ở phía sau", bao giờ ngành thép mới hồi phục mạnh mẽ?
Dù giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ tăng tốc những quý tới, song vẫn còn một điểm trừ khác khiến ngành thép chưa thể khởi sắc trở lại trong năm nay.
Bức tranh kết quả kinh doanh của ngành thép đã xuất hiện những điểm sáng sau 2 quý sụt giảm liên tiếp. Không nằm ngoài nhận định của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát: “Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua”, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt 500 tỷ đồng trong quý 1. Dù còn số này còn khá khiêm tốn song đã được cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỷ đồng quý 4/2022.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định giá bán thép HRC toàn cầu đã ghi nhận đà phục hồi đáng kể từ tháng 11/2022 sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh giãn cách xã hội do Covid-19. Kỳ vọng nhu cầu thép tại Trung Quốc gia tăng đã khiến các nhà máy tích cực tăng hiệu suất vận hành và tích trữ nguyên vật liệu, dẫn đến việc giá đầu vào cũng tăng. Chi phí đẩy cũng là một tác nhân chính khiến giá bán thép bứt phá mạnh trong quý 1.
Gần đây, giá than cốc đã liên tục tăng trong giai đoạn tháng 1-3/2023 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2022, trong bối cảnh dự báo lạc quan hơn đối với kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác. Giá than cốc được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn và mức giảm lớn nhất dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2023 khi nguồn cung (đặc biệt tại Australia) được cải thiện và trở lại mức bình thường.
VNDirect đánh giá việc giá bán đầu ra giảm chậm hơn so với đầu vào giúp biên EBITDA của các công ty thép được cải thiện trong tháng 4/2023. Do đó, đội ngũ phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép trong quý 2/2023 tiếp tục được cải thiện so với quý trước đó. Song, nhu cầu thép vẫn sẽ yếu trong các tháng tới khiến biên lợi nhuận các công ty trong ngành vẫn sẽ gặp nhiều biến động, đặc biệt là công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.
Nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024
Theo Chứng khoán VNDirect, triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành. Dù chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý, VNDirect cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để.
Do đó, nhóm phân tích nhận định nguồn cung BĐS nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi (1) Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và (2) Áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.